147.390 lượt xem
Trong khi hàng loạt ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, thanh toán điện tử (E-payment) nói chung và Ví điện tử (E-wallet) nói riêng, lại có cơ hội bứt phá vượt trội. Người dùng đã thật sự hài lòng? Các thương hiệu liệu đã kịp thời nắm bắt thời cơ?
Cùng YouNet Media khám phá!
A – Bức tranh tổng quan thị trường ví điện tử Việt Nam giai đoạn 2015-2021
Dưới tác động mạnh mẽ của Covid-19, việc hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách an toàn để bảo vệ bản thân đã khiến thói quen “thanh toán bằng tiền mặt” ăn sâu trong tiềm thức người Việt buộc phải nhanh chóng dịch chuyển sang “thanh toán không tiền mặt” hay “thanh toán không tiếp xúc”. Bên cạnh những hình thức thanh toán không tiền mặt như Mobile Banking, Internet Banking, quét QR Code,… Ví điện tử được đánh giá là hình thức thanh toán thân thiện, có tác động tích cực trong việc hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam nhanh chóng thay đổi thói quen thanh toán.
Nghiên cứu từ khảo sát của tập đoàn Visa cho thấy lượng giao dịch thanh toán không tiếp xúc của người tiêu dùng Việt Nam đã tăng 230% vào quý 1/2021. Cũng trong khảo sát này, 57% người tiêu dùng có tới ba ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong quý I/2021 có khoảng 225,6 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử với giá trị giao dịch khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo NHNN, tính đến tháng 7/2021, thị trường Ví điện tử đã chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của 43 ví điện tử và tổ chức trung gian thanh toán không phải Ngân hàng được chính thức cấp phép hoạt động – con số này đã tăng gấp 7 lần so với năm 2015. Như vậy, bên cạnh các thương hiệu “quen mặt” với người tiêu dùng nhiều năm nay như: MoMo, VNPAY, ShopeePay (trước đây là Airpay), ViettelPay, ZaloPay, Moca (GrabPay), thị trường Ví điện tử đang ngày một sôi động hơn với sự góp mặt của hàng loạt Fintech Việt tài năng và cả các tập đoàn lớn có hệ sinh thái đa dạng như: VinID (thuộc VinGroup), VNPT Pay (thuộc VNPT), SenPay (thuộc FPT), MobiFone Pay (thuộc MobiFone), eM (đã được Alibaba mua lại 1 phần cổ phần và đang tích hợp vào Lazada), SmartPay, Payoo, G-Pay…
Trong phạm vi bài viết này, YouNet Media tập trung nghiên cứu và phân tích số liệu thống kê liên quan đến các tổ chức trung gian thanh toán không phải ngân hàng có hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử, dựa theo danh sách đã được NHNN cấp phép hoạt động.
Có thể thấy, trước thời điểm dịch Covid-19 năm 2020, thị trường Ví điện tử đã có nhiều tiềm năng phát triển, trong thời điểm bùng phát dịch hiện nay lại càng có thêm đòn bẩy để tăng trưởng mạnh mẽ. Mỗi thương hiệu Ví điện tử đều có những thế mạnh cạnh tranh (USPs) và chiến lược truyền thông khác biệt. Vậy thương hiệu nào đang “chiếm sóng” MXH? Người dùng đang phản hồi ra sao? Chiến lược truyền thông của từng thương hiệu có điều gì đáng chú ý từ góc nhìn Social Listening?
B – Thị trường Ví điện tử qua góc nhìn social listening
7 thương hiệu Ví điện tử sôi nổi nhất mạng xã hội
Giữa xu thế cạnh tranh khốc liệt của toàn ngành, thương hiệu Ví điện tử nào có hệ sinh thái tốt sẽ chiếm lĩnh thị phần, trong khi các ví còn lại không có hệ sinh thái sẽ phải cạnh tranh bằng mọi phương diện. Nếu ShopeePay đang khai thác tốt lợi thế cạnh tranh (USPs) là nền tảng thanh toán tích hợp trong sàn TMĐT dẫn đầu thị trường là Shopee; thì MoMo lại cho thấy sức mạnh trong việc đa dạng hóa dịch vụ, tiện ích thanh toán và đối tác liên kết. Bên cạnh đó, VNPAY với thế mạnh vững vàng của nền tảng cổng thanh toán điện tử – sở hữu mạng lưới đối tác liên kết thanh toán “đáng nể”; ZaloPay với lợi thế chuyển đổi người dùng trực tiếp trong ứng dụng Zalo Chat; ViettelPay với hệ sinh thái viễn thông cho phép chuyển tiền qua số điện thoại; Moca (GrabPay) với hệ sinh thái thuộc siêu ứng dụng Grab; SmartPay với nhóm khách hàng đặc thù là tiểu thương và SMEs.
Tất cả đều cho thấy đến thời điểm này, các Ví điện tử dẫn đầu thị trường đều đã sở hữu nền tảng công nghệ phát triển đầy đủ tiện ích thanh toán cơ bản, tích hợp với đa dạng dịch vụ. Sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay không chỉ dừng ở việc thu hút người dùng mới mà còn là việc liên tục “nhắc nhớ”, giữ chân người dùng sử dụng ứng dụng thường xuyên.
Theo số liệu thống kê từ nền tảng SocialHeat của YouNet Media, trong giai đoạn nghiên cứu 1/4/2021 – 31/8/2021, tổng thảo luận ghi nhận được về các thương hiệu Ví điện tử trên MXH diễn ra vô cùng sôi nổi, lên đến 6,084,327 thảo luận với 750,712 người dùng MXH tham gia và 7 thương hiệu Ví điện tử nổi bật nhất sau đây:
Trong đó, 5 thương hiệu “ồn ào” nhất, chiếm 98% thị phần thảo luận (Total mention) & đồng thời chiếm 96% số lượng người dùng thảo luận (Audience Scale) trên mạng xã hội là: MoMo, ShopeePay, VNPAY, ZaloPay và ViettelPay. Theo nghiên cứu của YouNet Media, nếu chỉ đơn thuần so sánh trên tổng thảo luận nhắc đến từng thương hiệu (Total mention), ShopeePay đang thắng thế với thị phần thảo luận áp đảo – 67.4% thị phần thảo luận, vượt xa các thương hiệu đối thủ “nặng ký” như MoMo (15.1%), VNPAY (10.0%), ZaloPay (4.6%) và ViettelPay (1.9%). Lý giải vì sao ShopeePay có lượng thảo luận khổng lồ nhờ vào loạt minigame săn xu Shopee, tặng voucher mua sắm Shopee thu hút các tín đồ săn sale sôi nổi thảo luận hàng tháng.
Tuy nhiên, khi quan sát kỹ hơn số lượng người dùng mạng xã hội tham gia thảo luận (Audience Scale), MoMo lại là thương hiệu vượt trội hơn cả với 34.3% người dùng. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về ShopeePay với 25.5%, VNPAY – 19.1%, ZaloPay – 12.3% và ViettelPay – 4.9% người dùng thảo luận về thương hiệu. Điều này cho thấy mặc dù MoMo không có lượng thảo luận sôi nổi như ShopeePay nhưng MoMo vẫn là ví điện tử thu hút lượng người dùng quan tâm thảo luận đông đảo nhất.
Tiếp theo, ở góc độ khách hàng sở hữu và sử dụng các ví điện tử, họ đang phản hồi ra sao về Top 5 thương hiệu Ví điện tử “ồn ào” nhất MXH? Họ quan tâm điều gì? Họ đã thực sự hài lòng về Ví điện tử họ đang sử dụng?
Người dùng phản hồi gì về các thương hiệu ví điện tử ?
“Đa dạng dịch vụ/ đối tác thanh toán” “Sự tiện lợi” “Ưu đãi & Khuyến mãi” “Tiện ích” “Bảo mật” “Chăm sóc khách hàng” là những chủ đề phổ biến nhất được người dùng phản hồi về các thương hiệu ví điện tử trên mạng xã hội. Đây là các tiêu chí chuẩn của ví điện tử trong cuộc cạnh tranh gay gắt để thu hút và giữ chân người dùng, tạo nên nền tảng chắc chắn giúp giữ vững thị phần số lượng người dùng mà các nỗ lực Marketing đã mang về được cho các thương hiệu. Mỗi thương hiệu ví điện tử có các phản hồi của khách hàng khác nhau về bộ tiêu chí trên.
Cùng YouNet Media khám phá người dùng phản hồi ra sao đối với từng ví điện tử.
Ví điện tử MoMo
MoMo với thế mạnh là ví điện tử có hệ sinh thái thanh toán lớn và đa dạng về tiện ích, vì vậy “Đa dạng về dịch vụ liên kết/đối tác thanh toán” và “Sự tiện ích” là hai yếu tố mà người dùng phản hồi tích cực nhất dành cho thương hiệu. Cụ thể như: “Nạp tiền, chuyển tiền nhanh, đỡ tốn thời gian, không mất phí, thanh toán được nhiều dịch vụ tại nhà” hoặc “Nhiều ưu đãi thông qua liên kết, giới thiệu bạn bè”. Tuy vậy, “Chăm sóc khách hàng” lại là yếu tố thu hút phản hồi chưa tốt về MoMo như: “phản hồi lâu” hoặc “xử lý vấn đề không hiệu quả”. Ngoài ra, các thảo luận tiêu cực khác đáng chú ý về MoMo là: người dùng “tham gia các chương trình ưu đãi nhưng không nhận được voucher”, hay chương trình “Ví MoMo trả sau” ghi nhận loạt thảo luận do người dùng hiểu nhầm với các chương trình lừa đảo…
Ví điện tử VNPAY
VNPAY là thương hiệu Ví sở hữu mạng lưới đối tác liên kết thanh toán “khổng lồ” và luôn có những chương trình giảm giá khi thanh toán, vì vậy thương hiệu được người dùng phản hồi tích cực nhất ở hai yếu tố “Đa đạng đối tác thanh toán” và “Ưu đãi”. Cụ thể như: “Chuyển tiền/thanh toán dễ dàng” “Thanh toán liên kết VNPAY được nhiều mã giảm giá!” hay “Đầy đủ dịch vụ thanh toán”. Những phản hồi tiêu cực về trải nghiệm sử dụng ứng dụng VNPAY có thể kể đến: “Chuyển tiền hay lỗi, khó sử dụng” “Nhập mã không được, không dùng được mã” “Không được discount % như quảng cáo, lỗi thanh toán VNPAY”…
Ví điện tử ShopeePay
Với ưu thế là Ví thanh toán tích hợp trong sàn TMĐT Shopee, do vậy “Ưu đãi” & “Tiện lợi thanh toán Shopee” là yếu tố mà người dùng phản hồi tích cực nhất dành cho ShopeePay. Tuy nhiên, ShopeePay vẫn nhận về những phản hồi tiêu cực như “Đầy bộ nhớ”, “ít sử dụng”, “chỉ xài được khi săn sale”. Điều này cho thấy mặc dù tích hợp cùng Shopee là thế mạnh rất lớn để thu hút người dùng thảo luận, nhưng chưa đủ để “giữ chân” người dùng thực hiện các dịch vụ, tiện ích thanh toán khác ngoài sàn TMĐT.
Ví điện tử ZaloPay
“Chuyển tiền và thanh toán ngay trên ZaloChat siêu tiện lợi” là phản hồi nổi bật mà người dùng thảo luận về ZaloPay. “Yếu tố Tiện lợi” cùng những tính năng nổi bật của ZaloPay được người yêu thích như “chuyển tiền mà không cần tải app” hay “không cần qua lại giữa nhiều tài khoản”. Một số phản hồi tiêu cực đáng chú ý của người dùng về ZaloPay là: “bảo mật kém” “ưu đãi mã giảm giá nhưng không được áp dụng” “thanh toán lỗi” hoặc “chăm sóc khách hàng phản hồi lâu và chậm”.
Ví điện tử ViettelPay
ViettelPay với hệ sinh thái viễn thông cho phép chuyển tiền qua số điện thoại, vì vậy “Sự tiện lợi” và “Dịch vụ liên kết” là 2 yếu tố được người dùng phản hồi tích cực về thương hiệu. Cụ thể như “thanh toán mùa dịch tiện lợi”, “nhiều voucher hoàn tiền nạp card, thanh toán điện nước”. Mặc dù vậy, ViettelPay vẫn đang nhận được một số phản hồi tiêu cực về “trải nghiệm sử dụng” như “Chuyển tiền vào ngân hàng phải chờ rất lâu” hoặc “Quy trình phức tạp”.
Có thể thấy, người dùng mạng xã hội đang thể hiện quan điểm yêu – ghét rất rõ ràng về từng thương hiệu Ví điện tử dẫn đầu thị phần thảo luận toàn thị trường. Việc theo dõi thường xuyên các phản hồi của người dùng theo các tiêu chuẩn trên tiếp tục là điều kiện tiên quyết giúp các ví điện tử cải thiện chất lượng, trải nghiệm, chương trình để giữ vững thị phần của mình.
Vậy, các thương hiệu ví điện tử đang có những hoạt động truyền thông ra sao trên mạng xã hội?
Sôi nổi hoạt động truyền thông của các thương hiệu Ví điện tử
Theo số liệu đo lường từ nền tảng SocialHeat của YouNet Media, tổng thảo luận toàn thị trường giảm nhẹ trong giai đoạn đầu Tháng 5/2021 – giai đoạn bắt đầu giãn cách tại các thành phố lớn, cho thấy các thương hiệu đã có động thái “tạm nghỉ” để quan sát, “nghe ngóng”, nắm bắt tâm lý hoang mang, “thắt chặt chi tiêu” của người dùng. Từ nửa cuối tháng 6/2021 trở đi, các hoạt động truyền thông bắt đầu được đồng loạt 5 thương hiệu triển khai sôi nổi, với các nội dung, thông điệp thích nghi với “thời bình thường mới”. Có thể kể đến các hoạt động: “AirPay chính thức đổi tên thành ví ShopeePay”, “ViettelPay công bố nhận diện thương hiệu mới”, “VNPAY truyền thông định vị thương hiệu “Ví của gia đình””,…
Nhìn chung, Top 5 thương hiệu Ví điện tử trên MXH đều đang triển khai đa dạng chiến lược và chiến thuật truyền thông để nổi bật lên thế mạnh của thương hiệu trong tâm trí người dùng. ShopeePay (trước đây là AirPay) đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông kết hợp với Shopee; MoMo & ZaloPay triển khai hàng loạt campaign quảng bá cho tính năng mới, tiện ích thanh toán và các hoạt động game tương tác ngay trong app (Gamification in-app). VNPAY truyền thông theo định vị “Ví của gia đình” với mạng lưới Fanpage đối tác liên kết thanh toán đa lĩnh vực từ điện máy, tiêu dùng, giải trí…
Cùng YouNet Media phân tích các hoạt động nổi bật của các ví điện tử để thấy sự khác biệt về chiến lược truyền thông khi mỗi ví điện tử đều tập trung khai thác thế mạnh hệ sinh thái của riêng mình:
Ví điện tử MoMo
Là thương hiệu có chiến lược và chiến thuật truyền thông (tactics) rất đa dạng, MoMo triển khai loạt hoạt động như: minigame, các hoạt động game tương tác trong app với Chiến dịch “Thành phố MoMo” – thu hút đến 23,323 thảo luận; hợp tác với influencers/KOLs như Ngọc Trinh, Puka, Gin Tuấn Kiệt, Duy Khánh, Trang Hý trong Chiến dịch “Cần chuyển tiền thì MoMo liền”; ưu đãi “Giới thiệu MoMo – nhận ngay quà 500k”, cùng các nội dung truyền thông về tính năng, thuyết phục người dùng về sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán không tiền mặt…
Sự đa dạng nội dung và chiến thuật tiếp cận giúp thương hiệu sở hữu đa dạng kênh truyền thông, trong đó thảo luận đến từ kênh truyền thông do thương hiệu sở hữu (owned media) chỉ chiếm 0.18%, còn lại là từ các fanpage đối tác liên kết – chiếm đến 68%, các hội nhóm cộng đồng và người dùng MXH tự chia sẻ về thương hiệu – chiếm 25%. Điều này giúp thương hiệu có cơ hội theo dõi, lắng nghe nhu cầu người dùng ở nhiều chiều thảo luận, kịp thời thấu hiểu và đưa ra các phản hồi tương ứng. Đặc biệt là với những Chiến dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ tạo ra khủng hoảng (crisis) như “Túi Thần Tài” hay “Ví MoMo trả sau” vừa qua, đều ghi nhận không ít phản hồi tiêu cực của người dùng.
Như vậy, các hoạt động truyền thông của ví MoMo đang phục vụ mục tiêu tăng tính tương tác với người dùng hiện có thông qua liên tục ra mắt tính năng, tiện ích, sản phẩm và game tương tác với người dùng.
Ví điện tử ShopeePay
Chiến thuật truyền thông chủ yếu của ShopeePay là các hoạt động Minigame săn voucher giảm giá, săn deal ShopeeXu diễn ra trên Fanpage chính thức, vào cùng thời điểm triển khai Chiến dịch Săn Sale 8.8 của sàn TMĐT Shopee. Các hoạt động này đem lại lượng thảo luận, tương tác cực lớn cho thương hiệu, nhờ đánh trúng tâm lý “thích giảm giá” của các “tín đồ Shopee”. Tuy nhiên, cần ghi nhận thêm rằng thị phần thảo luận của kênh Fanpage chính thức của ShopeePay chiếm đến gần 90% tổng thảo luận về thương hiệu. Các kênh truyền thông khác như hội nhóm cộng đồng, đối tác liên kết, người dùng tự lên tiếng gần như còn đang bỏ ngỏ.
Các hoạt động truyền thông của ShopeePay cho thấy ví điện tử này đang nỗ lực để thu hút thêm người dùng mới thông qua Minigame trên Social. Đồng thời, khai thác nhóm khách hàng sẵn có trên sàn TMĐT Shopee bằng cách khuyến khích khách hàng dùng ví ShopeePay để thanh toán đơn hàng trên sàn TMĐT.
Ví điện tử VNPAY
Hoạt động truyền thông quảng bá cho định vị “VÍ VNPAY – Ví của gia đình” diễn ra tháng 6/2021 đã giúp VNPAY thu về lượt tương tác, thảo luận sôi nổi với hơn 47.797 thảo luận. Bên cạnh đó, VNPAY cũng triển khai Chiến dịch CSR thể hiện trách nhiệm vì cộng đồng và các hoạt động minigame tăng tương tác, ưu đãi thanh toán, giảm giá, quà tặng đa dạng,… thể hiện nỗ lực truyền thông liên tục “nhắc” người dùng nhớ về thương hiệu.
Điều đặc biệt về chùm thảo luận xoay quanh VNPAY là: phần lớn các thảo luận sôi nổi đều đến từ mạng lưới đối tác liên kết nhiều ngành nghề – chiếm đến 77% tổng thảo luận về thương hiệu, trong khi kênh truyền thông thương hiệu sở hữu (owned media) chỉ chiếm 1.14%. Tuy thị phần thảo luận và số lượng người dùng thảo luận về thương hiệu trên MXH còn khiêm tốn so với MoMo và ShopeePay, việc sở hữu hệ thống đối tác liên kết đa dạng sau nhiều năm phát triển cũng giúp VNPAY duy trị vị trí tương đối an toàn.
Thông qua phân tích hoạt động truyền thông, dễ thấy VNPAY đang tập trung phát triển phát triển mạng lưới đối tác và khuyến khích các mạng lưới này truyền thông đến với khách hàng sử dụng ví thông qua các ưu đãi khi thanh toán qua VNPAY.
Ví điện tử ZaloPay
Tham gia vào thị trường Ví điện tử sau các thương hiệu kể trên, song, ZaloPay đã tận dụng tốt lợi thế chuyển đổi trong ứng dụng tin nhắn Zalo Chat và bắt đầu thực hiện các hoạt động truyền thông sôi nổi, thu hút tương tác của người dùng MXH như: minigame, ưu đãi thanh toán trên hệ thống đối tác, voucher/deal giảm giá đi kèm với các tiện ích thanh toán đa dạng như TMĐT, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, app xem phim, đồ điện tử, viễn thông, điện nước…
Đáng chú ý nhất có thể nhắc đến Chiến dịch thu hút hoạt động game trong app sôi nổi: “Cô Hồn Rich Kid” đã thu hút gần 10.000 thảo luận – cho thấy chiến lược nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng tương tác với khách hàng trên ứng dụng của ZaloPay đã bắt đầu được đẩy mạnh, góp phần tăng cường vị thế cạnh tranh của thương hiệu trong thị trường.
Trong giai đoạn nghiên cứu, qua phân tích hoạt động truyền thông, ZaloPay đang cho thấy ví điện tử này không quá tập trung đẩy mạnh thu hút người dùng mới, mà thay vào đó ZaloPay khuyến khích khách hàng cũ tăng tương tác qua các hoạt động Game in-app, đồng thời có các chương trình khuyến mãi thúc đẩy giao dịch của người dùng.
Ví điện tử ViettelPay
Sau sự kiện thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, ViettelPay là thương hiệu khá im ắng so với 4 ví điện tử ở trên và không triển khai chiến dịch nổi bật trong thời gian gần đây. Một số hoạt động được ViettelPay đã triển khai như “ViettelPay kết hợp cùng Easy Vay triển khai dịch vụ cho vay trên app” hoặc chương trình “Ví trả sau Paynow” sản phẩm hợp tác giữa ViettelPay và Công ty tài chính FE Credit.
Cơ hội nào cho các Ví điện tử tận dụng Social Listening để bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới?
‘Sôi động” và “Cạnh tranh” là những từ khóa chính khi mô tả về thị trường Ví điện tử hiện nay. Cùng với tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến cho các hình thức thanh toán điện tử phát triển hơn bao giờ hết. Trong cuộc chiến cạnh tranh về số lượng người dùng mới và giữ chân người dùng hiện tại, cơ hội nào cho các thương hiệu ví điện tử bứt phá trong thời gian tới?
1. Giữ vững thị phần – Theo dõi sức khoẻ thương hiệu thường xuyên để bảo đảm các tiêu chuẩn lựa chọn của người dùng mới & giữ chân người dùng cũ theo thời gian trên ví điện tử vẫn đang được đáp ứng tốt hay không (Brand Health Check)
Dù sự gia nhập thị trường của các ví điện tử mới vẫn tiếp tục tăng lên, tuy nhiên, các tiêu chí chuẩn để thu hút và giữ chân người dùng như: Độ phổ biến của dịch vụ, đối tác liên kết; Vấn đề bảo mật; Độ tiện lợi, thanh toán nhanh; Ưu đãi, khuyến mãi; Chăm sóc khách hàng vẫn cần được đo lường, so sánh thường xuyên với các đối thủ. Từ đó, giúp doanh nghiệp luôn nắm bắt được thái độ phản hồi và có điều chỉnh kịp thời về hoạt động tương tác (Users Engagement), kế hoạch truyền thông (Communication Plan) hay cải thiện trải nghiệm người dùng (UX Improvements). Đây là nền tảng chắc chắn giúp giữ vững thị phần số lượng người dùng mà các nỗ lực Marketing đã mang về được cho các ví điện tử.
2. Gia tăng thị phần – Ví điện tử khai thác tốt hệ sinh thái sẽ chiếm lĩnh thị phần nhanh chóng
- Về thị trường – Nắm bắt chiến lược Marketing của đối thủ theo định kỳ đã khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của từng ví điện tử hay chưa: (Category Tracking)
Việc theo dõi, phân tích và đánh giá toàn bộ hoạt động truyền thông của các đối thủ trong ngành theo định kỳ 6 tháng/lần đến 1 năm/lần, giúp doanh nghiệp biết rõ: Mỗi ví điện tử với từng thế mạnh riêng đã tổ chức các chương trình Marketing hoặc xây dựng thông điệp truyền thông khai thác triệt để thế mạnh của hệ sinh thái hay chưa? (Marketing strategy explored the eco-system effectively or not?). Đây được đánh giá là hoạt động cần thiết phải được thực hiện định kỳ, giúp ích rất nhiều cho hoạt động hoạch định chiến lược marketing vào mỗi giai đoạn checkpoint giữa năm hoặc nhìn lại bức tranh tổng quát thị trường để chuẩn bị kế hoạch hiệu quả cho năm mới.
- Về khách hàng – Hiểu rõ các hoạt động truyền thông nhằm khai thác thế mạnh hệ sinh thái đang được người dùng đánh giá thế nào: (Consumer Feedback)
Đánh giá các phản hồi thực tế của khách hàng về các chương trình nổi bật giúp các ví điện tử biết rõ các hoạt động diễn ra đã có hiệu quả tốt lên nhóm khách hàng nhằm truyền đạt hay khai thác triệt để hệ sinh thái đến mức độ nào. Qua đó, Marketing sẵn sàng lộ trình thay đổi, điều chỉnh kịp thời để bảo đảm hệ sinh thái đang được tận dụng tốt.
3. Tối ưu hoá hiệu suất – Theo dõi hiệu quả truyền thông các chiến dịch giúp doanh nghiệp tiết kiệm ngân sách và tối ưu hoá hiệu quả: (Campaign Tracking)
Tổ chức các chiến dịch theo mục tiêu, dù là để thu hút người dùng mới hay khuyến khích khách hàng hiện tại sử dụng ví điện tử với tần suất nhiều hơn; hoặc theo mùa vụ (lễ, tết, dịp đặc biệt) để tăng tính tương tác, gia tăng gắn kết thương hiệu cũng đều là các hoạt động quan trọng với các ví điện tử. Việc theo dõi chiến dịch truyền thông bằng cách đo lường phản hồi của người dùng song song với thời điểm tổ chức chiến dịch sẽ giúp Marketing biết được nỗ lực truyền thông có đem lại hiệu ứng như mong muốn hay không, từ đó có sự điều chỉnh lập tức, giúp tiết kiệm ngân sách và tối đa hoá hiệu quả của các chiến dịch.