2.060 lượt xem
Theo xu hướng chú trọng sức khoẻ sau Covid-19, mối quan tâm về bàn chải điện bắt đầu bùng nổ từ 2022 khi thảo luận trên MXH tăng đột ngột – cao gấp 3,3 lần so với 2021. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bàn chải điện trở nên viral? Thương hiệu bàn chải điện nào đang làm tốt việc truyền thông và bán hàng? Các thương hiệu trong các ngành hàng khác có thể học được gì từ đây?
Cùng YouNet Media khám phá qua bài viết dưới đây!
A – “Cơn sốt” bàn chải điện bắt đầu từ năm 2022
Các sản phẩm công nghệ về chăm sóc răng miệng đã “manh nha” tiếp cận tệp người dùng Việt từ khoảng 2016-2019 nhưng chỉ dừng ở mức rất ít thảo luận, tìm kiếm từ một bộ phận nhỏ người dùng và đa số các thương hiệu đều là ngoại nhập. Đến giai đoạn 2020-2021, xu hướng tìm hiểu nhiều hơn về bàn chải điện và các sản phẩm công nghệ chăm sóc răng miệng khác.
Đỉnh điểm phải đến năm 2022, bàn chải điện đã trở thành “cơn sốt” khi tổng thảo luận cao gấp 3,3 lần (dữ liệu từ YouNet Media) & lượng tìm kiếm trên Google cao gấp 1,3 lần so với 2021.
Vậy đối với thị trường mới nổi và đầy tiềm năng này, người tiêu dùng đang nói gì, cân nhắc gì và quan trọng là đang mua gì?
1. Yếu tố thúc đẩy “bùng nổ” sự quan tâm của người tiêu dùng với bàn chải điện?
(1) Người dùng nâng cao nhận thức về sức khỏe & (2) Họ đang tìm kiếm giải pháp mới tốt hơn các phương pháp truyền thống để giải quyết các vấn đề răng miệng là 2 nguyên nhân chính, chiếm đến 81% thảo luận khiến người dùng chú ý về bàn chải điện.
Ở lý do đầu tiên – người dùng nâng cao nhận thức về sức khỏe răng miệng – chiếm hơn 53% trong 35.552 thảo luận. Sau ảnh hưởng đại dịch, nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe nói chung và răng miệng nói riêng dần nâng cao. Người dùng nhận ra việc chải răng đúng cách là yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe răng miệng tốt. Do đó, bàn chải điện xuất hiện như biện pháp vượt trội giúp làm sạch sâu kẽ răng, loại bỏ mảng bám, mùi hôi, chăm sóc nướu,… “Đánh bàn chải điện rồi không thể nào dùng bàn chải bình thường nữa.”
Lý do thứ hai – người dùng tìm kiếm giải pháp làm sạch mới tốt hơn phương pháp truyền thống để giải quyết các vấn đề răng miệng – chiếm 28% tổng thảo luận. Trên Mạng xã hội, nhiều người dùng chia sẻ họ đang mắc phải các vấn đề như răng nhạy cảm, ê buốt, chảy máu chân răng, viêm nha chu,… và sử dụng bàn chải điện được gợi ý là giải pháp tối ưu về dài hạn “Chuyển qua xài bàn chải điện đúng kiểu chân ái, sạch hơn, giảm hẳn triệu chứng răng ê buốt”.
Ngoài ra, dữ liệu còn ghi nhận một số thảo luận liên quan đến việc cải thiện về ngoại hình và sự tự tin, như “bạn có thể sử dụng bàn chải điện và tăm nước để có hàm răng thơm tho và trắng sáng.”, “sử dụng bàn chải điện răng sạch hơn, cười cũng tự tin hơn.”
2. Người tiêu dùng quan tâm gì khi cân nhắc chọn mua bàn chải điện?
Không phải giá cả, tính năng mới là yếu tố được người dùng thảo luận nhiều nhất khi cân nhắc lựa chọn bàn chải điện – gần 20K thảo luận. Trong đó, các tính năng liên quan đến chế độ làm sạch, bộ hẹn giờ tự động, cảm biến lực, tính kháng nước, tiếng ồn… được nhiều người quan tâm khi tìm kiếm bàn chải điện.
Ngoài ra, YouNet Media còn ghi nhận các thảo luận khi mối quan tâm đến từ mẹ là người mua cho các bé thì thiết kế của bàn chải như: đầu bàn chải, lông bàn chải có mềm, dễ bị rụng,… mới là yếu tố được cân nhắc kỹ càng nhất.
Đứng trước băn khoăn, lo lắng thì thương hiệu bàn chải điện nào làm tốt, được người dùng nhắc đến nhiều nhất trên MXH trong năm 2023?
3. Quan tâm tìm hiểu, thảo luận nhiều về bản chải điện, vậy người tiêu dùng thực tế đang mua gì trên sàn E-com?
Oral B, P/S, Philips là TOP 3 thương hiệu bán chạy nhất trên các sàn TMĐT
Dữ liệu do công ty phân tích dữ liệu Thương mại điện tử YouNet ECI thu thập từ 122 thương hiệu kinh doanh sản phẩm bàn chải điện trên ba sàn Shopee, Lazada, Tiki trong năm 2023 cho thấy bàn chải điện đạt tổng doanh thu 341,1 tỷ trên 3 sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki) trong năm 2023.
Đáng chú ý, lần lượt dẫn đầu tổng giá trị giao dịch về bàn chải điện (tính theo GMV cộng gộp từ ba sàn) là 5 thương hiệu: Oral B (71,8 tỷ), P/S (54 tỷ), Philips (31,7 tỷ) Brushie (28 tỷ) và Halio (24,6 tỷ).
Khi kết hợp bức tranh truyền thông trên MXH & dữ liệu bán hàng từ E-Commerce, dữ liệu cho thấy sự tương quan rõ nét khi TOP 5 thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trên Social Media cũng chính là TOP 5 thương hiệu dẫn đầu về doanh thu trên các sàn TMĐT. Có thể thấy, sự quan tâm thảo luận trên MXH của người tiêu dùng trong năm 2022 có tác động mạnh mẽ đến hành vi mua hàng trên kênh TMĐT trong năm 2023.
Vậy điều gì giúp các thương hiệu vừa thu hút nhiều thảo luận trên MXH vừa đạt được doanh thu tốt trên các sàn? Cùng tìm hiểu qua các case của Oral B, P/S và Brushie.
3.1 Oral B – Dù chưa chính thức có mặt tại Việt Nam nhưng đã đạt TOP #1 về doanh thu và là thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trên MXH
Là thương hiệu xuất hiện nhiều nhất khi chiếm hơn 40% thị phần thảo luận của TOP 10 bàn chải điện được nhắc đến nhiều nhất trên MXH, và đặc biệt là trong nhưng thảo luận tích cực như “recommend bàn chải của Oral B 2100 pro nha, dùng phee lắm”, “Mình đang dùng Oral B, đánh rất êm và sạch”.
Tuy vậy, số liệu của YouNet ECI lại cho thấy hơn 85% tổng doanh thu thương mại điện tử của nhãn hàng trong năm 2023 được nắm giữ bởi các nhà bán lẻ không chính hãng. Thực tế này chứng minh người dùng đang có nhu cầu rất lớn với bàn chải điện nhưng chưa được đáp ứng bởi kênh phân phối chính hãng, đây là cơ hội không chỉ với riêng Oral-B mà là với các thương hiệu bàn chải điện khác chưa tiến vào thị trường Việt Nam.
3.2. P/S – Bản lĩnh của ông lớn: Sau 2 năm ra mắt đã đạt Á quân về doanh thu và xếp #2 thương hiệu quan tâm nhất trên MXH
Chính thức ra mắt Việt Nam từ năm 2021 và tận dụng tốt danh tiếng của thương hiệu lâu đời, bàn chải điện P/S đã nhanh chóng đứng TOP #2 nhãn hàng bán chạy nhất trên các sàn TMĐT & TOP #2 thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trên MXH. Vậy nỗ lực truyền thông nào trên MXH giúp P/S gặt hái “quả ngọt”?
P/S thu hút sự chú ý của người dùng qua việc liên tục cải tiến. Trong năm 2023, nhãn hàng này đã liên tục ra mắt sản phẩm mới P/S Sonic Expert, phiên bản màu sắc đặc biệt dành cho mùa lễ hội: Giáng sinh, Tết. Thêm vào đó, P/S xây dựng thành công hình ảnh năng động, cá tính, và hướng đến giới trẻ qua các Influencers như Châu Bùi, Thủy Tiên, Minh Tú, Cô Em Trendy,… và KOLs/ KOCs như Tizi, gonpinkk, Pháp Kiều, Hạnh Moe,… & hot pages/hot groups như Insight mất lòng, Thánh Rìviu,…
3.3 Brushie – Thương hiệu Việt thu hút người dùng nhờ vào sản phẩm độc đáo, khác biệt
Là thương hiệu bàn chải điện được nhắc đến nhiều #4 trên MXH, Brushie chiếm lấy sự chú ý của người dùng nhờ vào sản phẩm khác biệt: tích hợp 2 trong 1 – bàn chải điện kết hợp với máy rửa mặt. Về mặt truyền thông trên MXH, Brushie tập trung vào review trải nghiệm người dùng, chủ yếu ở hai nền tảng là YouTube (50%) và TikTok (30%), khác biệt với Oral B, P/S chủ yếu đẩy mạnh quảng bá trên Facebook (70%).
Kế thừa quả ngọt trên Social Media, tổng doanh thu trên các sàn của Brushie xếp #4 trên thị trường bàn chải điện. Cụ thể hơn, hơn 90% tổng doanh thu của nhãn hàng đến từ gian hàng chính hãng. Ngoài ra, nhãn hàng này phát triển khá mạnh trên TikTok khi thường xuyên tổ chức các phiên livestream, hoặc kết hợp với các KOCs. Kết quả là chỉ trong tháng 7-12/2023, trung bình ước tính mỗi tháng TikTok Shop còn đóng góp khoảng 1,8 tỷ vào doanh thu cho nhãn hàng này.
Vậy tóm lại là:
B – Cơ hội nào cho các thương hiệu bàn chải điện “tỏa sáng” trên Mạng xã hội và gặt hái quả ngọt trên các sàn TMĐT?
1. Lắng nghe phản hồi của người dùng để cải tiến sản phẩm, truyền thông đúng insight (Consumer Understanding)
Ví dụ như: người dùng thường hay hỏi các mẹo tẩy mốc Silicon bàn chải điện hay thảo luận về đầu bàn chải, lông bàn chải của loại bàn chải điện cho bé hay việc thay pin cho bàn chải điện. Hay như khi nhắc đến Oral B, người dùng thường hay phàn nàn về tiếng ồn, cả thân máy đều rung,… Do đó, việc lắng nghe người dùng là bước quan trọng giúp thương hiệu có ý tưởng để cải thiện và nâng cao trải nghiệm người dùng.
2. Nắm bắt sức khỏe thương hiệu để gia tăng tính cạnh tranh (Social Brand Monitoring)
Khán giả ngày càng trở nên khó tính hơn trong việc quyết định nên tiêu tiền vào sản phẩm nào thì việc lắng nghe người dùng, hiểu rõ sức khoẻ thương hiệu của mình và so sánh với đối thủ càng trở nên bài toán quan trọng. Thương hiệu cần được theo dõi định kỳ, có đầy đủ thông tin để đưa ra phản ứng, điều chỉnh kịp thời giúp giữ chân được lượng khách hàng trung thành.
3. Sử dụng số liệu thương mại điện tử để cập nhật xu hướng tiêu dùng mới (Ecommerce Market Insight)
Thói quen mua sắm của Gen Z ngày càng ưu tiên về kênh thương mại điện tử, thực tế này khiến thương mại điện tử thường xuyên là xuất phát điểm của nhiều trend mua sắm mới.
Theo dõi dữ liệu tăng trưởng doanh thu trên sàn TMĐT sẽ giúp các nhãn hàng nắm bắt được xu hướng tiêu dùng mới của giới trẻ, phát hiện các sản phẩm đang trend để từ đó cập nhật chiến lược sản phẩm.