4.101 lượt xem
Người người ở nhà, nhà nhà work-from-home là “thời điểm vàng” để các “rạp phim tại nhà” bùng nổ mạnh mẽ. Người dùng là khán giả trong mùa dịch này đang quan tâm đến điều gì ? Sở hữu kho phim hoành tráng, chương trình TV show độc quyền, ưu đãi thành viên hấp dẫn… Liệu rằng các “ông lớn” trong ngành liệu đã thật sự thấu hiểu người dùng?
Cùng YouNet Media điểm qua những cái tên “ồn ào” nhất khi người dùng thảo luận “xem gì hôm nay”, lắng nghe những mối quan tâm của người dùng và những cách “giữ chân” người dùng của Top 3 thương hiệu dẫn đầu thị phần thảo luận: VieON, Netflix và FPT Play.
Việc không được ra ngoài gặp gỡ bạn bè, ăn uống và vui chơi giải trí tại các tụ điểm offline khiến người dùng chỉ còn rất ít lựa chọn giải trí xoay quanh không gian gia đình như: xem phim, xem chương trình giải trí, lướt mạng xã hội, đọc sách, tập thể dục tại nhà… Vì vậy, ngay từ đầu giai đoạn giãn cách, cộng đồng mạng đã liên tục chia sẻ với nhau không gian “rạp phim tại nhà” cùng những bình luận rôm rả về phim, diễn viên và các chương trình giải trí hấp dẫn – như 1 “món ăn tinh thần” thiết yếu trong những ngày này. Trong suốt thời gian giãn cách từ 1/5/2021 đến 17/8/2021, công cụ SocialHeat của YouNet Media đã ghi nhận được 2,070,592 tổng thảo luận sôi nổi xoay quanh chủ đề này, tăng gấp 1.4 lần so với lần giãn cách năm 2020.
CHƯƠNG TRÌNH GIẢI TRÍ VÀ PHIM HÀN “CHIẾM SÓNG” MXH MÙA DỊCH
Trong 2 chủ đề được người dùng thảo luận nhiều nhất, “Chương trình giải trí” chiếm 36.67%, có phần nhỉnh hơn mảng “Phim” gần 5%. Như vậy, khác với thời điểm trước, nội dung giải trí chủ yếu là các dòng phim hot, năm nay, người dùng đặc biệt thảo luận sôi nổi hơn về các “Gameshow”, “Chương trình thực tế”, “Giải thể thao hấp dẫn” với những thần tượng tham gia và những thử thách, tình tiết vui nhộn. Ở mảng “Phim”, có thể thấy “Phim Hàn” vẫn đứng đầu trong danh sách được thảo luận rôm rả nhất, theo sau là “Phim Trung”, “US/UK” và “Phim Việt”.
Bên cạnh đó, số liệu cũng ghi nhận được “Review phim” và “Đăng ký tài khoản” là 2 mối quan tâm quan trọng với người dùng, lần lượt chiếm 11.67% và 11.24% thảo luận. Không lấy làm lạ khi những bài “bình luận phim”, “review phim” vẫn nằm trong top 3 chủ đề được quan tâm, đặc biệt là những phim hot, có nhiều cú twist gây cấn, diễn xuất nổi bật. Xoay quanh chùm thảo luận “Đăng ký tài khoản trả phí”, các bài viết bán tài khoản “giá rẻ mua chung”, “giá sinh viên” vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, YouNet Media cũng ghi nhận 1 điểm sáng trong dòng thảo luận này, đó là người dùng đã bắt đầu khó tính hơn trong việc xem phim chất lượng cao, tốc độ ổn định, với các phản hồi đáng chú ý như: “dùng tài khoản share bị giật, lag, out khỏi tài khoản không rõ lý do”, “sub lộn xộn”,… Đồng thời, những bộ phim, chương trình có thần tượng tham dự đều được cộng đồng fan nâng cao vấn đề “tôn trọng bản quyền”, nên xem phim ở nguồn chính thống.
“Phụ đề nhiều ngôn ngữ”, “Quảng cáo xen giữa các nội dung miễn phí” và “Chất lượng & tốc độ Vietsub” là những chủ đề tiếp theo ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định chọn “xem gì hôm nay” của người dùng, lần lượt chiếm 4,02%, 3,05% và 1,66%.
Các nhà cung cấp nền tảng xem phim & chương trình giải trí trực tuyến ở thị trường Việt Nam liệu đã “thỏa mãn” được nhu cầu của những khán giả ngày một khó tính? Ai đang dẫn đầu “đường đua” và đâu là nội dung tạo nên thảo luận lớn nhất trên MXH những ngày qua ?
ĐƯỜNG ĐUA SÔI ĐỘNG CỦA CÁC ỨNG DỤNG XEM PHIM & CHƯƠNG TRÌNH GIẢI TRÍ MÙA GIÃN CÁCH 2021
Nhìn chung, thị trường các ứng dụng Xem phim, chương trình giải trí trực tuyến năm nay đã có hàng loạt thay đổi rất rõ nét. Đầu tiên, là về nhu cầu đa dạng nội dung và sự khó tính của người xem. Tiếp theo, là sự gia nhập “đường đua” của hàng loạt thương hiệu mới, cả nội lẫn ngoại, sở hữu thị phần thảo luận vô cùng cạnh tranh, đơn cử như: iQIYI và WETV (thuộc Tencent) – 2 thương hiệu lớn đến từ Trung Quốc, có vị thế lớn trong thị trường Đông Nam Á và quốc tế; DANET – thuộc quản lý của BHD, VTVGo – Đài truyền hình Việt Nam.
Đặc biệt, Galaxy Play – thuộc hãng phim Thiên Ngân, đã không bảo toàn được thứ hạng của mình trong bảng xếp hạng năm ngoái. Do đó, dù dẫn đầu thị trường với gần 70% thị phần thảo luận trên mạng xã hội, nhưng Top 3 thương hiệu VieON, Netflix và FPT Play vẫn phải dè chừng & cảnh giác trước sự cạnh tranh đáng gờm của những “tay đua” mới nổi như trên đã đề cập.
Cuối cùng và không kém phần quan trọng, đó là việc VieON – thuộc Đất Việt VAC, với 35.91% thị phần thảo luận, đã thành công soán ngôi đầu bảng của “ông Tây” Netflix (24%), đồng thời vượt xa thương hiệu nội khác là FPT Play (chỉ chiếm 9.5%). Cả 3 thương hiệu này đều đã thành công trong việc ghi dấu ấn với người dùng ở các thế mạnh nội dung (USPs) riêng biệt. Trong phạm vi bài viết phân tích này, YouNet Media sẽ chỉ tập trung vào 3 thương hiệu dẫn đầu thị trường với những thế mạnh riêng và nỗ lực truyền thông của họ.
1. VieOn – Phim truyền hình & Gameshow là sắc màu riêng biệt
VieON có được thành công trong thị phần thảo luận này, có thể nói là nhờ 2 bộ phim truyền hình do VieON độc quyền phát sóng: “Cây táo nở hoa” (Việt Nam) – ra mắt đầu tháng 4/2021 và “Penthouse – Cuộc chiến thượng lưu III” (Hàn Quốc) – ra mắt đầu tháng 6/2021. Cả 2 bộ phim đều thuộc dòng phim truyền hình gia đình, có tình tiết gay cấn, tạo được nhiều nội dung thu hút khán giả bàn tán, tranh luận sôi nổi trong suốt giai đoạn phát sóng.
Tuy “Cây táo nở hoa” thu hút nhiều bình luận gay gắt về “kịch bản lê thê”, “khóc lóc nhiều quá”, nhưng đồng thời vẫn giữ được độ hot bởi dòng phim phù hợp với thời điểm gia đình quây quần tại nhà. Mới đây, một bộ phim Việt Nam khác là “Gạo nếp gạo tẻ 2” cũng được VieON độc quyền phát sóng, thu về lượng thảo luận lớn. Có thể thấy, VieON đã tận dụng tối đa lợi thế “sân nhà”, với sự tham gia của dàn diễn viên Việt có sức ảnh hưởng, góp phần thúc đẩy thị trường phim Việt phát triển mạnh mẽ, bên cạnh các đối thủ phim Hàn, Trung, Mỹ, mà vẫn đúng sở thích người dùng.
Bên cạnh các phản hồi xoay quanh nội dung phim, chương trình và thần tượng, số liệu cũng ghi nhận được những đánh giá hài lòng về “số lượng quảng cáo” vừa phải trong các tập phim miễn phí, “chất lượng hình ảnh mượt”, “sub nhanh”, nhưng lại đặc biệt không hài lòng khi “chỉ được xem miễn phí 1 phần, muốn xem tiếp phải trả phí”, “chỉ muốn mua tài khoản để xem 1 phim”, “tài khoản lỗi, không đăng nhập được”,… từ người dùng.
Bên cạnh phim truyền hình Việt Nam và Hàn Quốc là thế mạnh của VieON, việc mua bản quyền, độc quyền phát sóng các Chương trình giải trí hot nhất cũng đem lại cho VieON số lượng thảo luận khủng, chiếm 73% tổng thảo luận trong chủ đề “Chương trình giải trí (ngoài phim)”. Có thể kể đến những gameshow “nhắc tên show là nhớ đến VieON” như: “Rap Việt All-star Concert”, “Running Man Vietnam”, “Người ấy là ai” hay mới đây nhất là “Street Dance of China 3 & 4” – gameshow cực kỳ sôi động của Trung Quốc do VieON mua bản quyền phát sóng song song – đang được đông đảo các fan Trung hâm mộ, chờ đợi từng tập.
Sở hữu số lượng Fanpage hùng hậu thuộc Đất Việt VAC và các chương trình có bản quyền phát sóng, VieON có lợi thế tạo những nhóm nội dung thu hút thảo luận riêng cho từng Fanpage, đồng thời tăng thảo luận chung cho toàn thương hiệu. Nguồn thảo luận người dùng gọi tên VieON chủ yếu đến từ các Fanpage “của nhà trồng”, Fanpage/Trang cá nhân của các diễn viên, MC tham gia phim, chương trình, số ít đến từ nhóm, cộng đồng như Hóng hớt Showbiz, Cuồng phim Hàn.
Tuy vậy, số liệu cũng ghi nhận số lượng thảo luận tăng vọt đột ngột giai đoạn giữa tháng 8, thời điểm bùng nổ Scandal của Jack – thành viên tham gia chương trình Running Man Vietnam do VieON phát sóng, thu hút thảo luận vô cùng lớn, nhưng không mấy tích cực cho thương hiệu. Dù không ghi nhận nhiều phản hồi “tẩy chay” chương trình, nhưng có thể thấy VieON đang bị “vạ lây” không ít trong chuỗi lùm xùm liên quan đến người nổi tiếng này.
2. Netflix – Loạt phim gốc (Original Series) không đối thủ
Về nhì với 24% thị phần thảo luận trong chủ đề “rạp phim tại nhà”, “ông Tây” Netflix cho thấy phong độ đã phần nào giảm sút trong việc chinh phục thị trường Việt Nam. Tuy vậy, xét về mức độ đa dạng thể loại và tốc độ phát sóng phim, anime, chương trình truyền hình thực tế,… Netflix vẫn chưa có đổi thủ ở thị trường Việt Nam. Kho phim đặc sắc, từ những series nhiều phần US/UK và phim tiếng nước ngoài, phim kinh dị, “bom tấn” hành động Mỹ, đến phim truyền hình Hàn Quốc, ngôn tình Trung Quốc, phim chiếu rạp Việt Nam,… giúp Netflix “ngồi yên” vẫn dễ dàng thu hút được hàng loạt thảo luận, bàn tán sôi nổi của các “mọt phim” với nhiều độ tuổi và sở thích khác nhau. Đặc biệt theo số liệu ghi nhận từ SocialHeat của YouNet Media, series “Hospital Playlist – Chuyện đời bác sĩ”, “Kingdom – Ashin of the north” và “Money Heist Season 5” (dù chưa ra mắt) là 3 bộ phim đang nhận được nhiều sự trông đợi và thảo luận sôi nổi từ cộng đồng mạng.
Bên cạnh các dòng phim kể trên, phim tài liệu (Documentary) và các chương trình truyền hình thực tế (Reality Show) cũng là nội dung đặc biệt tạo chỗ đứng vững chắc, không có đối thủ cạnh tranh trong lòng cộng đồng ham học hỏi, tìm hiểu luồng thông tin bổ ích với loạt series ở nhiều lĩnh vực: lịch sử, xã hội, hồ sơ điều tra, thời trang, ẩm thực, thiền định…
Số liệu từ SocialHeat cũng ghi nhận được luồng thảo luận gọi tên Netflix chủ yếu đến từ các hội nhóm, cộng đồng yêu phim như: Ra rạp xem gì?, Hội Những Người Hâm Mộ Phim và Tv Series Netflix, Cuồng phim-Review, Lost Bird, Heart US-UK… với những bài viết, bình luận review tập phim mới, chia sẻ “list phim chill mùa dịch”, “hóng” phim, rủ nhau xem lại phần phim trước,… vô cùng sôi nổi. Thậm chí, nhiều bình luận hài hước từ cộng đồng gọi tên Netflix như lý do cho việc “GenZ biến mất khỏi MXH cả tối không phải vì thất tình mà để quyết tâm cày 1 series Netflix”.
Bên cạnh những bình luận tích cực từ cộng đồng về sự phong phú và đa dạng nội dung, Netflix cũng vấp phải không ít nhận xét tiêu cực như: “Vietsub chưa chuẩn”, “nhiều phim có nội dung nhạt, cảnh quay nóng bỏng đến mức thừa thãi”, “phim hay thì IP Việt không xem được”, hoặc lùm xùm pháp lý “phim tài liệu có nội dung trái với quy định Việt Nam”,…
3. FPT Play – Truyền hình & Các chương trình bóng đá hàng đầu
Xuất phát điểm là 1 trong 3 nhà mạng internet lớn nhất Việt Nam, FPT Play có bước chào thị trường khác biệt hơn hẳn các nền tảng khác bằng việc bán kèm dịch vụ xem nội trên App tích hợp với gói internet, phát triển dịch vụ truyền hình internet, từ đó chuyển đổi được số lượng người dùng đăng ký tài khoản trả phí sử dụng dịch vụ trong hệ sinh thái FPT sang xem trên FPT Play dễ dàng hơn các nền tảng khác.
Cũng tiếp cận người dùng bằng các nội dung miễn phí, chỉ thu phí với những bộ phim đặc biệt, tuy nhiên vì vẫn là “tay đua mới” trong mảng phim truyền hình, phim lẻ, do vậy thị phần thảo luận gọi tên FPT Play xoay quanh các bộ phim có phần khiêm tốn hơn 2 đơn vị còn lại. Các nội dung hợp tác với HBO Go cũng chưa thật sự tạo được nhiều thảo luận với cộng đồng mạng. Dù vậy, dòng phim đặc biệt nổi trội của FPT Play so với đối thủ là các bộ phim Trung Quốc, chiếm 54% thị phần thảo luận trong chủ đề “Phim Trung” của Top 3 thương hiệu dẫn đầu với các bộ phim ngôn tình “cẩu lương” như: “Vô tình nhặt được tổng tài”, “Đứng Lại! Hoa Tiểu Thư”, Nỗi Vương Vấn của Hạ Tiên Sinh,…
Một dòng thảo luận thú vị khác ghi nhận được là việc gần đây, FPT Play mua thành công bản quyền phát sóng “Penthouse – Cuộc sống thượng lưu I & II”, gỡ bỏ vị trí “độc quyền 3 phần Penthouse” của VieON. Đây được xem là nước đi cạnh tranh đáng chú ý, thu hút không ít thảo luận rôm rả của cộng đồng mạng. Bắt được tâm lý yêu thích dành cho dòng phim tranh giành quyền lực của giới thượng lưu, FPT Play cũng đã có bước tiếp tục mua bản quyền phát sóng những bộ phim cùng thể loại.
Tuy nhiên, khi nói về thế mạnh thật sự khiến người dùng nhớ đến mỗi khi nhắc tên FPT Play, phải nhắc đến các Chương trình thể thao, giải bóng đá hấp dẫn. Mặc dù VieON cũng đã liên kết với K+, đồng phát sóng nội dung thể thao tương tự, nhưng chưa thật sự gây được chú ý với người dùng mạng xã hội. Thế mạnh này thực sự đã giúp FPT Play giữ vững phong độ trên đường đua nhờ hàng loạt giải đấu đỉnh cao, liên tục diễn ra trong thời gian giãn cách, có thể kể đến: Vòng loại Chung kết World Cup, EURO 2020, Giải ngoại hạng Anh, Cúp C1,…
Nhiều lợi thế nền tảng là vậy, nhưng FPT Play cũng nhận về không ít phản hồi không hài lòng từ người dùng mạng xã hội như: “phim miễn phí toàn phim cũ”, “quá nhiều quảng cáo”, “xem đá banh mà đường truyền không ổn định”,…
Người dùng ngày một khó tính, đối thủ ngày một cạnh tranh mạnh mẽ, vậy ngoài tập trung vào các điểm khác biệt nổi bật về nội dung, các thương hiệu có hoạt động “giữ chân” người dùng nào khác?
CÀNG NHIỀU LỰA CHỌN HẤP DẪN – CUỘC ĐUA GIỮ CHÂN NGƯỜI DÙNG CÀNG KHỐC LIỆT
Bên cạnh nỗ lực sản xuất & mua bản quyền các bộ phim hấp dẫn, mang tính địa phương (local content), việc đưa ra các hoạt động marketing phù hợp, đúng lúc là chìa khóa giúp doanh nghiệp tạo độ phủ truyền thông và thu hút đối tượng khách hàng hiệu quả. Cùng YouNet Media điểm qua các hoạt động truyền thông chính yếu các thương hiệu sử dụng hiệu quả:
1. Truyền thông quyền lợi tài khoản trả phí
Theo số liệu từ thảo luận của người dùng cho thấy, VieON là đơn vị đang áp dụng những quyền lợi cao cấp nhất cho thành viên trả phí gói VIP như: được xem trước tài khoản miễn phí trong 3 ngày, được xem trước khi phim/chương trình phát sóng trên Youtube, được xem trọn bộ phim trong khi tài khoản miễn phí và người dùng Youtube chỉ được xem 1 phần của phim,… Đây là hướng đi khuyến khích người dùng mua gói trả phí để có được trải nghiệm trọn vẹn nhất, tuy nhiên khán giả Việt đang ở bước đầu làm quen với các nội dung trả phí, vẫn chưa thật sự hài lòng với hướng triển khai hiện tại của VieON và cần nhiều thời gian cũng như chiến lược dài hạn để thuyết phục người dùng hơn nữa. Một điều đáng lưu ý khác trong luồng thảo luận này, là thành viên dù mua tài khoản VIP của VieON nhưng đang sinh sống ở nước ngoài, vẫn sẽ không tiếp cận được các nội dung độc quyền kể trên.
2. Minigame & Ưu đãi mùa dịch
- Đầu mùa giãn cách VieON đã kịp thời nắm bắt tâm lý người dùng, đưa ra chương trình ưu đãi hấp dẫn “Mở tài khoản mới, nhận voucher đi siêu thị và gói VIP 1 tháng” thu hút sự tham gia tương tác từ người dùng.
- Ở hoạt động minigame, VieON mới đây đã thu hút người dùng tham gia tương tác với chủ đề “Khoe cây nhà bạn, nhận ngay Airpod Pro hoặc voucher gói VIP 1 tháng”.
3. Ưu đãi thanh toán:
- Trong TOP 3 thương hiệu, FPT Play là đơn vị có ưu đãi thanh toán liên kết với các ví điện tử tích cực nhất, với VNPay, ZaloPay, Momo và ShopeePay.
- VieON đang tích cực truyền thông cho các gói ưu đãi cho người dùng thanh toán qua ví điện tử ZaloPay.
4. Influencer Marketing:
- Cả 2 thương hiệu Việt Nam dẫn đầu thị trường ứng dụng xem phim & chương trình giải trí trực tuyến đều đang sử dụng những chiến lược Influencer Marketing (Marketing thông qua người có sức ảnh hưởng) với các Diễn viên, KOLs. Cụ thể:
- VieON với KOLs là siêu mẫu Võ Hoàng Yến thông qua hoạt động “Cuối tuần Livestream bàn Penthouse”; Lê Dương Bảo Lâm với bài viết bình luận về “Cây táo nở hoa” đều thu hút lượt tương tác, thảo luận khủng từ cộng đồng fan phim. Ngoài ra, các bài viết từ dàn diễn viên chính của 2 bộ phim Việt “Cây táo nở hoa” và “Gạo nếp gạo tẻ” với nội dung hài hước, gần gũi, cũng giúp VieON thu về lượng thảo luận lớn.
- FPT Play lại có được sự tương tác, thảo luận từ nhóm KOLs đặc biệt hơn, đó là những người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực bóng đá như: BLV Trần Quang Minh, VĐV tâng bóng nghệ thuật Đỗ Kim Phúc, Shark Phạm Thanh Hưng, cầu thủ Bùi Tiến Dũng…
CƠ HỘI NÀO CHO CÁC THƯƠNG HIỆU BỨT PHÁ VƯỢT TRỘI TRONG GIAI ĐOẠN TỚI ?
Chương trình giải trí, Gameshow hoặc những bộ phim độc quyền chất lượng cao đã trở thành thế mạnh cạnh tranh, giúp thu hút và duy trì người dùng của các nền tảng Xem phim trực tuyến. Đây cũng được xem là lợi thế cạnh tranh (USPs) khiến các ứng dụng nổi bật lên, thu hút thêm nhiều khán giả mới và traffic truy cập (User & traffic acquisition). Từ đó, giúp giữ chân và duy trì được lượng khán giả trung thành (Retain).
Do vậy, khi một nội dung độc quyền được khai thác và đưa lên nền tảng, sẽ có nhiều ứng dụng mà việc theo dõi và lắng nghe liên tục nhóm khách hàng mục tiêu mang lại nhiều lợi ích:
1. Giữ nhiệt và thúc đẩy thảo luận liên tục, yếu tố tiên quyết tạo nên thành công của một chương trình độc quyền:
– Giữ nhiệt liên tục trong thời gian công chiếu: Nắm bắt người dùng đang có sự quan tâm đặc biệt đến nhân vật nào trong phim, hay câu nói, tình tiết nào đang trending để khai thác làm Content Marketing giúp chương trình luôn sôi nổi, đây là yếu tố rất quan trọng tạo nên sự thành công của một chương trình.
– Thúc đẩy thảo luận tự nhiên: Nắm bắt rõ những hội, nhóm, fanpage hay diễn đàn, báo nào đang tạo ra nhiều thảo luận về chương trình sẽ giúp team Marketing định ra nhiều hoạt động để tận dụng nguồn thảo luận tự nhiên.
– Đo lường hiệu quả các hoạt động (tactics) triển khai: Giúp Marketing biết được nỗ lực truyền thông có đem lại hiệu ứng như mong muốn hay không, từ đó có sự điều chỉnh, tối ưu phù hợp.
– Phân tích sự hưởng ứng của khán giả với chương trình: Hiểu rõ sắc thái tình cảm (Sentiment) của khán giả giúp Marketing nắm bắt được mức độ yêu thích của chương trình.
2. Thấu hiểu xu hướng, sở thích phim ảnh, thể loại chương trình của khán giả Việt chia theo nhân khẩu học hoặc vùng miền, giúp định hướng nội dung đường dài cho việc sản xuất & lựa chọn các nội dung chương trình độc quyền:
– Phòng nghiên cứu phát triển chương trình hoặc Marketing có thể thực hiện các báo cáo/nghiên cứu chuyên sâu, trong đó tập trung vào một nhóm khán giả giúp nhà đài có kế hoạch đúng để định hướng thực hiện các chương trình chủ đạo. Các báo cáo dạng này (Social research) có thể được thực hiện độc lập hoặc kết hợp cùng với các báo cáo truyền thống để bổ trợ, giúp giải đáp những giả định (Hypothesis) mà trong đó research truyền thống không thể trả lời được.
3. Chọn lựa đúng KOLs/ Influencers để sản xuất hoặc truyền thông cho chương trình giúp thu hút đúng nhóm khán giả mục tiêu, tối ưu ngân sách truyền thông:
– Với công cụ SociaLift sở hữu bởi YouNet Media, việc đào sâu phân tích vào các chỉ số Audience của một KOLs giúp xác định lượng active followers (giảm thiểu vấn nạn follower ảo), nhân khẩu học hay mức độ yêu thích của fans tại một thời điểm giúp chọn đúng người ảnh hưởng cho truyền thông hoặc mời tham gia chương trình.
– Đối với các game show kéo dài nhiều kỳ, việc theo dõi phản ứng tiêu cực của khán giả ngay khi các dấu hiệu khủng hoảng (Scandals) liên quan đến KOLs mới chớm xuất hiện hoặc có tổng hợp nhanh toàn bộ diễn biến yêu ghét, ủng hộ của fans là các yếu tố rất quan trọng giúp các nền tảng Streaming đưa ra các quyết định tức thời đúng đắn, giữ cho chương trình được sạch và có danh tiếng tốt.
4. Nắm bắt sức khoẻ thương hiệu và so sánh với các nền tảng cạnh tranh:
– Việc một bộ phim, chương trình độc quyền không được sự ủng hộ tốt của khán giả sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến nền tảng ứng dụng Streaming. Tuy nhiên về lâu dài, khi sự cạnh tranh của các nền tảng khác ngày càng nhiều và khán giả càng trở nên khó tính hơn trong việc quyết định nên tiêu tiền vào ứng dụng nào định kỳ thì hiểu rõ sức khoẻ thương hiệu của mình và so sánh với đối thủ càng trở nên bài toán quan trọng cần được theo dõi định kỳ, giúp ứng dụng có những phản ứng, điều chỉnh kịp thời giúp giữ chân được lượng khách hàng trung thành.