2.564 lượt xem
Cứ tưởng ra trường đi làm trong môi trường “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” thì dân công sở sẽ là nhóm nhân lực có sức khoẻ ổn định nhất. Thế nhưng không biết từ khi nào đau lưng, mỏi gối, tê tay, thoái hoá cột sống, và gần đây là căng thẳng thần kinh, tiền đình,… đã không còn là vấn đề của riêng độ tuổi trung niên mà trở thành nỗi bận tâm, lo lắng, đe doạ sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần của nhóm nhân viên công sở. Cùng YouNet Media khám phá những vấn đề sức khoẻ đang ám ảnh đời sống của nhóm nhân viên văn phòng, phản ứng của người dùng, hành trình tìm kiếm giải pháp chữa trị, phòng tránh, những rào cản, cũng như các phương pháp (dùng thuốc hoặc không dùng thuốc) mà họ thảo luận trên MXH!
Disclaimer: Bài viết tập trung phân tích thảo luận của người dùng trên MXH về các triệu chứng, vấn đề sức khoẻ của nhóm NVVP từ 22 – 45 tuổi thường xuyên tiếp xúc và làm việc với máy tính, giấy tờ, công việc lao động trí óc.
Bệnh văn phòng không chỉ đơn giản là đau lưng, mỏi gối, tê tay. Theo thông tin từ WHO, bệnh văn phòng (Sick Office Syndrome) hay hội chứng bệnh nhà kín SBS (Sick Building Syndrome) là thuật ngữ chỉ về các loại bệnh khác nhau có nguyên nhân từ điều kiện và môi trường làm việc ở văn phòng, cao ốc như nhà kín, thông gió kém, dùng điều hòa nhiệt độ… và những công việc liên quan đến lao động đặc thù tại văn phòng. Môi trường làm việc kín, cường độ làm việc căng thẳng, áp lực cao, ăn uống thất thường, ít vận động và thường sử dụng chất kích thích (bia, rượu, thuốc lá) để giải tỏa căng thẳng thường được nhận định là những nguyên nhân dẫn đến các nhóm bệnh văn phòng. Với nhiều nguyên nhân phức tạp, các nhóm bệnh này thường xuất hiện theo combo và thường giới văn phòng được gọi là “bệnh nghề nghiệp mãn tính”.
1. Vậy đâu là TOP 10 bệnh văn phòng thường được nhắc đến nhiều nhất trên Mạng xã hội?
Theo dữ liệu từ Nền tảng SocialHeat của YouNet Media, 8 tháng đầu năm 2023, TOP 10 bệnh văn phòng thu hút hơn 330K thảo luận trên nhiều nền tảng MXH. Trong đó, Thần kinh – tâm lý, Tiêu hóa, Cơ xương khớp, Mắt & Hô hấp là 5 nhóm bệnh phổ biến, đặc trưng mà dân văn phòng thường xuyên đối mặt. Trong TOP 10 Vấn đề sức khỏe của dân văn phòng, nhóm bệnh về thần kinh tâm lý và nhóm bệnh tiêu hóa chiếm tỷ trọng thảo luận nhiều nhất, lần lượt là 46,18% và 41,69%.
Nổi cộm trong nhóm bệnh thần kinh tâm lý có thể kể đến: đau đầu, căng thẳng (stress), chóng mặt, tiền đình, mất ngủ. Ở nhóm bệnh tiêu hóa thì đau dạ dày, táo bón, trĩ lại là những căn bệnh “kinh điển” thường xuyên được cộng đồng dân văn phòng than thở trên khắp các hội nhóm cộng đồng. Đây đều là những căn bệnh có triệu chứng ban đầu không nguy hiểm nhưng có khả năng trở nên nguy hiểm “không sớm thì muộn” nếu dân văn phòng không thay đổi thói quen sinh hoạt.
Dẫn đầu trong 10 căn bệnh được thảo luận nhiều nhất là đau dạ dày – với 89.784 thảo luận. “Sống theo giờ Mỹ, ăn kiểu sinh viên nghèo”, bỏ bữa, sử dụng chất kích thích (như: rượu, thuốc lá, cà phê,…), cường độ làm việc áp lực cao, stress kéo dài,.. là những nguyên do khiến cho đau dạ dày trở thành “căn bệnh mãn tính” với các nhân viên công sở. Không khó để bắt gặp các thảo luận như “mình không bị đau dạ dày 3 năm rồi. Mấy tháng gần đây cứ Ợ HƠI, liên tục uống thuốc không hết.”…
Có xu hướng trẻ hóa, “chóng mặt, rối loạn tiền đình” – vấn đề sức khỏe thường gặp ở tuổi trung niên do tổn thương mạch máu não, bất ngờ trở thành căn bệnh văn phòng có lượng thảo luận lớn thứ 2 trong TOP 10 với 65.873 thảo luận. Các thảo luận đặc trưng của nhóm bệnh này là: “Em năm nay 23t, bị tiền đình uống thuốc mãi k hết. E phải làm sao ạ?”. Tiếp tục ở vị trí #3 là một vấn đề sức khoẻ cũng thuộc nhóm Thần kinh-Tâm lý là stress, căng thẳng với 51.336 thảo luận.
Tiếp đến, bệnh mất ngủ xếp vị trí #4 với 38.408 thảo luận, táo bón đứng thứ #5 với 35.265 thảo luận. Vị trí #6 không thể quen thuộc hơn là đau lưng/ thắt lưng/ cột sống với 20.203 thảo luận, vị trí #7 thuộc về bệnh trĩ với 15.464 thảo luận. Đau vai gáy, tật khúc xạ, viêm xoang/mũi lần lượt xếp vị trí #8, 9, 10 với lượng thảo luận là 6.706 thảo luận, 4.225 thảo luận và 3.195 thảo luận.
2. Hành trình dài, nhiều điểm chạm & nhiều cảm xúc của “bệnh nhân văn phòng” trên Mạng xã hội
Covid-19 đã có tác động đáng kể đến việc nâng cao ý thức chăm sóc sức khoẻ nói chung và ngay cả khi bước vào thời gian bình thường mới, thói quen chia sẻ & tìm kiếm thông tin, kiến thức khi bị bệnh vẫn duy trì được độ sôi động. Người dùng, đặc biệt là nhóm NVVP là đối tượng vô cùng năng động trong việc sử dụng Mạng xã hội & các nền tảng ứng dụng y tế để nâng cao hiểu biết về bệnh & các phương pháp điều trị, chữa bệnh. Do đó, hành trình chữa bệnh của dân văn phòng từ lúc có triệu chứng, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc đều gắn liền với các nền tảng Mạng xã hội & Google.
Hành trình của những bệnh nhân nhóm NVVP trải qua những giai đoạn và bị tác động bởi những nguồn tin nào?
Đầu tiên, ở Giai đoạn (1) Triệu chứng: người bệnh thường tìm kiếm sự đồng cảm, động viên & tư vấn nhiệt tình từ những người có kinh nghiệm bằng việc đăng post hỏi – đáp trên Facebook Group hay tìm hiểu các triệu chứng bệnh thông qua Google. Trên Social Media, nhất là trong các Group cộng đồng về chia sẻ về bệnh, không khó để bắt gặp các thảo luận như “mình dạo này mới xuất hiện đau thượng vị, ợ hơi lúc đói, ợ chua, buồn nôn :((( k biết là bị gì nữa”, “Mọi người có triệu chứng ăn vào mệt thở ko nổi ko muốn làm gì cũng ko có sức”,…
Tiếp theo, giai đoạn (2) chẩn đoán và giai đoạn (3) điều trị, bên cạnh việc đến thăm khám tại bệnh viện MXH, các trang thông tin sức khoẻ và các Nền tảng chăm sóc sức khoẻ / Mua thuốc trực tuyến (E-health & E-Pharma) trở thành a-nơi khám bệnh online, hoặc b-chia sẻ đơn thuốc, chẩn đoán sau khi khám bệnh / ra tiệm thuốc tây, hoặc c-tìm kiếm kiến thức chuyên môn từ nhiều nguồn tin khác nhau, hoặc d-tìm kiếm sự đồng cảm, động viên, chia sẻ kinh nghiệm từ những người đồng cảnh ngộ,…
Ở giai đoạn này, những điểm chạm tác động đến quyết định điều trị & tâm lý chữa bệnh của họ bao gồm: các Bác sĩ, Dược sĩ có uy tín (Influencer nhóm Healthcare Professionals – HCPs); các Hội nhóm, cộng đồng giới trẻ, cộng đồng người bệnh; các Fanpage tin tức uy tín, Trang tin thuộc các chuỗi Nhà thuốc Online, các nền tảng chăm sóc sức khỏe E-health như AloBacsi, Jio Health,…
Cuối cùng, ở giai đoạn chăm sóc, khi người bệnh chấp nhận “sống chung với lũ” hoặc khi đã tìm được phương pháp phù hợp để vượt qua combo “bệnh nghề nghiệp” của mình, họ sử dụng Social Media để cập nhật thông tin diễn tiến bệnh, trải nghiệm điều trị cá nhân, cũng như các phương pháp, bác sĩ, bệnh viện hoặc loại thuốc phù hợp nhất cho cộng đồng.
Nhiều điểm chạm trên suốt hành trình, vì sao bệnh nhân nhóm NVVP vẫn đầy hoang mang và chọn sai?
Tâm lý của phần lớn người bệnh nói chung và người bệnh thuộc nhóm NVVP nói riêng, trước nhiều luồng thông tin, nhiều tác động trên MXH thường là hoang mang, sợ hãi. Thêm vào đó, việc chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh dễ khiến người bệnh dễ bị tác động và chọn sai nguồn tin. Ví dụ như giai đoạn T8/2023, một trường hợp lạm dụng thuốc xịt mũi chứa corticoid gây suy thận được chia sẻ rầm rộ và gây hoang mang trên nhiều nền tảng MXH. Hay như các thảo luận hỏi về các phương pháp trị bệnh kiểu “dở khóc dở cười” như “Vỏ lựu trị đau dạ dày hiệu quả ko Mn”, “Nhóm mình đã có ai sử dụng thuốc Cốm vị thái chữa viêm dạ dày, trào ngược dạ dày chưa ạ?”;…
Bên cạnh đó, các fake news, tin tiêu cực ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người dùng trong quá trình họ tìm kiếm và chữa bệnh. Ví dụ như các bài thuốc đông y gia truyền đặc trị chữa các bệnh xương khớp được quảng bá dày đặc trên Mạng xã hội nhưng hiệu quả mang đến dường như không thấy, thậm chí còn gây tác dụng phụ khiến người bệnh phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Sau vài lần thử & sai, tâm lý đề phòng ngày càng mạnh, người bệnh trở nên đa nghi & khó xây dựng sự tin tưởng. Như việc sau khi thăm khám tại các bệnh viện lớn, người dùng lại xác thực & tham khảo thêm ý kiến trong hội nhóm online: “E tái khám xong kết quả là như thế này và lại dùng kháng sinh. Anh chị xem đơn và cho e lời khuyên với ạ”.
Tóm lại, hành trình chữa bệnh trên Social Media có nhiều điểm chạm và cũng đầy lo lắng, hoang mang. Thiếu kiến thức về bệnh, fake news, tâm lý phòng bị cao khiến người dùng dễ lạc lối. Tuy nhiên, như YouNet Media đã phân tích ở trên về Hành trình của người bệnh trên MXH, có hai điểm chạm mà người bệnh thường tìm đến đó là nhóm HCPs (Healthcare Professionals) là các chuyên gia như dược sĩ, bác sĩ & nhóm người có cùng chung cảnh ngộ. Do đó, Facebook Group và những Influencers là các HCPs như bác sĩ, dược sĩ là các điểm chạm xuất hiện nhiều & được tin tưởng trong hành trình của người bệnh trên Social Media.
3. Hai nguồn thông tin mà nhân viên văn phòng tham khảo về các nhóm bệnh văn phòng
3.1. Group Facebook – Touchpoint được thảo luận sôi nổi xuyên suốt hành trình
Các hội nhóm cộng đồng chuyên hỏi-đáp, tư vấn bệnh nhận được nhiều thảo luận như: Maybe You Could Live A Healthier Life, Đau dạ dày – Hội những người bị đau dạ dày, Chữa bệnh đau đầu, rối loạn tiền đình, Hội điều trị Thoát vị đĩa đệm, Thoái hóa cột sống lưng, cổ, khớp gối,…
Cùng với đó, người dùng cũng hỏi về bệnh, “flex” về tủ thuốc văn phòng trong nhiều nhóm cộng đồng khác nhau như Đi làm vui thấy bà!, Group Tinh tế, Bankers có gì vui?; hot Fanpages như Theanh28 Entertainment, Chuyện của Hà Nội, Những người đàn ông thông minh,… Thương hiệu cần khéo léo tăng cường tương tác thảo luận trên các nhóm Facebook – nơi vẫn chưa có nhiều thảo luận đến từ thương hiệu.
3.2. Healthcare Professionals – Kênh tương tác “uy tín” của người bệnh
Trước các thông tin gây hoang mang, người dùng tìm đến các bác sĩ, dược sĩ như một kênh tham khảo đáng tin cậy để được tư vấn, hướng dẫn chuyên môn. Dựa trên số liệu thống kê và phân tích, YouNet Media đề xuất danh sách các bác sĩ đang tạo ra ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng mạng xã hội, giúp người dùng theo dõi và nắm bắt tin tức hữu ích, đồng thời thỏa mãn các tiêu chí:
- Là các bác sĩ chuyên khoa có tầm ảnh hưởng trên MXH – lượng follower (người theo dõi) tối thiểu 25.000 followers trên Fanpage hoặc 35.000 followers trên TikTok.
- Nội dung được hưởng ứng tốt: tương tác trung bình (avg.engagement) >500 (like + share + comment / post)
- Chia sẻ các nội dung mang tính chuyên môn & khách quan
- Không chia sẻ các chủ đề chính trị nhạy cảm
Theo số liệu phân tích bởi SociaLift – Nền tảng thống kê, đo lường, đánh giá influencer với dữ liệu lớn nhất Việt Nam sở hữu bởi YouNet Media, fanpage và TikTok của các bác sĩ đều có tỷ lệ tương tác trung bình (average engagement) khá cao. Nổi bật như profile của bác sĩ Lê Tiến Huy –Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Y dược – bác sĩ trẻ triệu view làm giáo dục, livestream giải đáp thắc mắc về sức khỏe trên mạng xã hội. Theo đó, kênh TikTok của bác sĩ đã có hơn 1,1 triệu người theo dõi, Fanpage có 113K followers. Trích xuất dữ liệu từ SocialLift, trong vòng 3 tháng vừa qua, trung bình mỗi bài đăng của bác sĩ thu hút 1,2K tương tác, hơn 550 bình luận.
Ngại đến bệnh viện, HƠN 90% dân văn phòng thảo luận “ưu ái” cho phương án tự điều trị.
Mặc dù thuộc nhóm người lao động trí óc, nhưng do yếu tố văn hoá xã hội cùng với các yếu tố tâm lý người bệnh như đã nói ở phần trên, khiến dân văn phòng có nhiều rào cản khi quyết định đến bệnh viện.Cụ thể, (1) Băn khoăn về giá cả, (2) Thủ tục phức tạp “làm thủ tục làm những gì có phải đợi lâu k ạ. tài chính hết tầm bao nhiêu (k có thẻ bhyt)???”, (3) Tâm lý sợ đau, sợ phát hiện thêm bệnh“Có nên đi khám bệnh viện không các bác, nghe nói khám là chỉ có nội soi đau lắm ạ”,… là những rào cản nổi bật khiến Bệnh viện không là lựa chọn đầu tiên khi nhóm NVVP thảo luận về các căn “bệnh nghề nghiệp”.
Do đó, lựa chọn ưu tiên của dân văn phòng khi mắc bệnh văn phòng vẫn là tự điều trị, chiếm 90% thảo luận. Lý giải cho điều này là do người dùng đã dần chấp nhận bệnh văn phòng là bệnh mãn tính “không trị khỏi hẳn được ak b”, “buộc phải sống với nó” cùng với tâm lý chủ quan bệnh không nghiêm trọng.
4. Không thăm khám tại bệnh viện, đâu là những phương pháp tự điều trị được người dùng thảo luận nhiều nhất?
Có hai nhóm phương án mà người dùng lựa chọn tự điều trị bệnh văn phòng là dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong đó, phương án không dùng thuốc được thảo luận nhiều hơn, chiếm 77% thảo luận, còn lại nhóm phương án dùng thuốc OTC, TPCN chiếm 23% thảo luận.
Trong các phương pháp tự điều trị không dùng thuốc, thay đổi chế độ sinh hoạt được người dùng thảo luận nhiều nhất – chiếm 25% trên tổng thảo luận. Khi điều trị các bệnh văn phòng mãn tính, việc có một chế độ sinh hoạt hợp lý là điều hết sức quan trọng. Lời khuyên thường thấy cho các bệnh về dạ dày đó là thay đổi chế độ sinh hoạt như đi ngủ đúng giờ, không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ “11h ngủ, trước đó 1-2 tiếng k điện thoại, k tivi, ko ipad, chỉ đọc sách”.
Xếp thứ #2 là phương pháp tự nhiên, truyền thống – chiếm 21% tổng thảo luận. Phương pháp tự nhiên truyền thống là sử dụng các loại thảo dược truyền thống, cây cỏ như gừng, nghệ, mật ong, nhụy hoa nghệ tây,… vào việc điều trị & chăm sóc sức khỏe. Như khi bị dạ dày, không ít thảo luận khuyên rằng nên uống nghệ mật ong sẽ tốt hơn “uống nghệ mật ong với nước gừng cũng đỡ”.
Tập thể dục – chiếm 17% thảo luận – là phương pháp tự điều trị được người dùng thảo luận nhiều #3. Tập thể dục là cách giúp dân văn phòng vừa thư giãn vừa điều trị. Điển hình như ở các bệnh về đau thắt lưng, cột sống, nhiều người dùng khuyên rằng nên tập thể dục sẽ có tác dụng tích cực “Bạn chịu khó đi bơi, đu xà nhé sẽ đỡ hơn nhé!”. Tuy nhiên, người bệnh cần phải tham khảo kỹ các các bài tập, động tác phù hợp với tình trạng bệnh để tránh “tập sai tư thế là bị đau thêm đó”.
Thay đổi chế độ ăn uống, chiếm 10% tổng thảo luận, xếp thứ #4 trong các phương pháp tự điều trị không dùng thuốc. Ăn nhiều rau, ăn chay, bổ sung thêm các men vi sinh, uống đủ nước , hạn chế bia rượu là lời khuyên quen thuộc và rất hữu dụng trong quá trình điều trị bệnh “Kiêng cay, chua, nóng, cfe bia rượu”,“ăn nhiều rau vào bà ưiii, uống đủ nước nữa”.
Ngoài ra, các phương pháp như massage, bấm huyệt, mua sắm các thiết bị bổ trợ như đai lưng, ghế công thái học, máy masage cũng được dân văn phòng cân nhắc, lần lượt chiếm 3% & 1% tổng thảo luận, đứng vị trí #5,6 trong các phương pháp không dùng thuốc. “Dùng máy massage hay đai gì để trị thoái hóa l4_5 tốt v m.n”.
Ở nhóm phương án dùng thuốc có hai phương pháp nhỏ, đầu tiên là dùng thuốc OTC để điều trị bệnh – chiếm 15% tổng thảo luận & sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) để tăng cường miễn dịch – chiếm 8% thảo luận. Tuy có nhiều rào cản khi sử dụng thuốc nhưng để giải quyết “êm đẹp” các triệu chứng gây khó chịu, có nhiều thảo luận hỏi, review thuốc OTC/ TPCN đã sử dụng như “khó chịu quá kết hợp sử dụng thuốc dạ dày chữ y này sẽ thấy đỡ hơn”.
Người bệnh không chỉ thực hiện riêng từng phương pháp mà người dùng có xu hướng kết hợp các giải pháp với nhau. Điều chỉnh các nguyên nhân cốt lõi liên quan đến chế độ ăn uống/sinh hoạt đồng thời kết hợp với các giải pháp khác như dùng thuốc, phương pháp tự nhiên, thiết bị hỗ trợ “bệnh này cần phải kiên trì thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt thì mới hết được, kết hợp sử dụng thuốc sẽ thấy đỡ hơn”. Tuy nhiên , một rào cản lớn với dân công sở đó là họ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì “chế độ hoàn hảo và cân bằng” trong thời gian dài. Thương hiệu có thể cân nhắc trong việc xuất hiện, tạo các nội dung động viên, giúp đỡ người dùng xuyên suốt hành trình chữa bệnh.
Có đến 23% thảo luận lựa chọn thuốc OTC, thực phẩm chức năng nhưng vẫn còn nhiều rào cản!
Không thể phủ nhận rằng thuốc tây như một giải pháp tiện lợi, chữa cháy, giảm triệu chứng cấp tốc nhưng vẫn còn nhiều rào cản khi sử dụng thuốc như không trị dứt điểm, lờn thuốc, sử dụng lâu sẽ nóng trong người “lờn thuốc, thuốc tây thì chỉ làm cơ thể thêm hao mòn thôi hại thận hại gan”, “uống lâu dài bệnh cũ chưa hết lòi ra bệnh khác”, “không trị được dứt điểm, cứ phải uống thuốc cầm chừng hoài”. Đây cũng là lý do khiến người bệnh ưu tiên lựa chọn các phương pháp không dùng thuốc nhiều hơn (chiếm 77% thảo luận).
Người dùng thảo luận về phương pháp tự nhiên, truyền thống – cao hơn sử dụng thuốc OTC đến 6%. An toàn, lành tính, phù hợp sử dụng hàng ngày và dễ tìm nguyên liệu là các động lực thúc đẩy người dùng sử dụng các phương pháp và bài thuốc dân gian “Nên uống tâm sen hàng ngày thay nước. Mình mất ngủ uống tâm sen cải thiện rất nhiều”. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp dân gian này mang tính chất dài hơi – không thể đảm bảo tính hiệu quả nhanh, tức thời.
Tuy người dùng gặp nhiều rào cản với thuốc tây là thế nhưng không thể phủ nhận được vai trò của thuốc tây, cụ thể là thuốc OTC & thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị và phòng chống “bệnh văn phòng”. Cùng YouNet Media tìm hiểu đâu là những thương hiệu OTC & thương hiệu Dược – TPCN được gọi tên nhiều nhất trên MXH trong tủ thuốc của dân văn phòng theo từng nhóm bệnh trong Bài viết thứ 2 của Series “TOP 10 Bệnh văn phòng và cơ hội cho các thương hiệu ngành Dược” sẽ ra mắt vào đầu tuần sau.