1.199 lượt xem
COVID-19 bất ngờ trở lại tâm điểm mạng xã hội với lượng thảo luận bùng nổ. Từ tâm lý lo ngại đến hành vi mua sắm phòng dịch, người dùng MXH đang phản ứng thế nào trước diễn biến mới về dịch bệnh? Các thương hiệu đã kịp thời “nhập cuộc” ra sao? Hãy cùng YouNet Media thông qua dữ liệu từ Social Listening “bóc tách” những con số biết nói!
1. COVID-19 “trở lại” trên mạng xã hội: Lượng thảo luận tăng vọt vì những sự kiện nào?
Trong khoảng thời gian từ 13/05/2025 đến 23/05/2025, chủ đề Sự trở lại của COVID-19 ghi nhận hơn 1,11M lượt thảo luận trên mạng xã hội, tăng trưởng hơn 41,67K% so với timerange trước (từ 02/05/2025 đến 12/05/2025). Một con số khổng lồ thể hiện mức độ quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng đối với chủ đề.
Theo ghi nhận từ nền tảng SocialTrend, trong 24 giờ từ 14:00 ngày 22/05/2025 đến 14:00 ngày 23/05/2025, chủ đề về COVID-19 đạt hơn 263K thảo luận trên mạng xã hội, đứng Top 1 trong BXH Tin tức xã hội của nền tảng.
Thảo luận về COVID-19 bắt đầu tăng mạnh vào ngày 13/05 – khi thông tin về dịch COVID-19 bùng phát ở Thái Lan. Sau đó, bùng nổ lần thứ nhất vào 21:00 ngày 14/05 với 70.483 thảo luận khi Bộ Y tế chính thức khuyến cáo phòng dịch, tăng 266% so với ngày trước đó.
Thảo luận ở những ngày tiếp theo ghi nhận lượng thảo luận ổn định ở mức 11K tới 50K thảo luận cho đến khi bùng nổ lần 2 vào 9:00 ngày 20/05 với 133.044 thảo luận. So với ngày 14/05, thảo luận tăng trưởng 88,76% khi có yêu cầu chuẩn bị cơ sở vật chất cách ly từ Bộ Y tế.
Thảo luận về sự trở lại của COVID-19 đạt đỉnh lúc 9:00 ngày 23/05 với 170.033 lượt thảo luận, chủ đề thảo luận xoay quanh các tin tức về ca mắc bệnh mới tại Việt Nam. Cùng thời điểm, hàng loạt thông tin về phương án ứng phó dịch từ chính phủ và truyền hình cũng được lan truyền rộng rãi, góp phần đẩy chủ đề COVID-19 lên thành điểm nóng trên mạng xã hội.
Có thể thấy, thảo luận về Sự trở lại của COVID-19 sôi nổi hơn hẳn khi có thông tin chính thức đến từ phía Bộ Y tế và chính phủ, chứng minh rằng người dùng mạng xã hội có xu hướng phản ứng mạnh hơn khi xuất hiện thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, khi mà họ cảm nhận rõ mức độ nghiêm trọng và nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân.
2. Điểm nóng thảo luận: Người dùng quan tâm điều gì khi COVID-19 trở lại?
Dữ liệu từ SocialHeat của YouNet Media ghi nhận chỉ số cảm xúc -0,6 về chủ đề với hơn 15,56K thảo luận tích cực và 62,81K thảo luận tiêu cực. Chỉ số cảm xúc âm cho thấy phần lớn phản ứng của cộng đồng có xu hướng tiêu cực, phản ánh tâm lý lo ngại, sợ hãi hoặc mệt mỏi khi dịch quay lại.Trong đó, top 5 chủ đề thảo luận nổi bật xoay quanh “Số ca mắc bệnh”, “Triệu chứng bệnh”, “Khẩu trang” , “Cách ly” và “Phòng chống dịch”.
Đáng chú ý, “Khẩu trang” không chỉ nằm trong top chủ đề được thảo luận nhiều nhất (chiếm 9,7% thảo luận – 107.581 thảo luận) mà còn phản ánh hành vi mua sắm thực tế. Theo dữ liệu từ YouNet ECI, lượng tìm kiếm và đơn hàng khẩu trang ghi nhận mức tăng trong cùng thời điểm thảo luận bùng nổ, cho thấy cộng đồng có phản ứng phòng chống dịch nhanh chóng trước thông tin dịch quay trở lại. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 11/05/2025 đến 17/05/2025, doanh số khẩu trang trên các sàn thương mại điện tử ghi nhận con số 77,05K lượt bán, tạo ra 3,3B doanh thu.
Dữ liệu cho thấy khi thông tin về COVID-19 quay trở lại mạng xã hội, cộng đồng mạng không chỉ bày tỏ cảm xúc lo ngại mà còn nhanh chóng chuyển hóa thành hành vi cụ thể, điển hình là việc gia tăng nhu cầu mua khẩu trang. Những phản ứng này một lần nữa khẳng định rằng sức khỏe cộng đồng vẫn là mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt khi đi kèm với tín hiệu rõ ràng từ cơ quan chức năng.
Trước làn sóng thảo luận mạnh mẽ và sự thay đổi trong hành vi người dùng, các thương hiệu đã nhanh chóng tham gia làn sóng thảo luận bằng nhiều hình thức – từ truyền thông cảnh báo đến nâng cao nhận thức sức khỏe một cách sáng tạo và đa dạng.
Vậy đâu là những cách tiếp cận đang được brand triển khai trong giai đoạn này?
3. Brand phản ứng thế nào? – 5 cách tiếp cận sức khỏe cộng đồng
Trước sự quan tâm đông đảo về dịch COVID-19, các brand không chỉ triển khai truyền thông dưới góc độ bán sản phẩm mà còn nhấn mạnh vai trò đồng hành cùng người tiêu dùng trong việc bảo vệ sức khỏe.
Các thương hiệu như Yakult và Nhà thuốc An Khang lựa chọn truyền thông kịp thời, nhanh chóng về tình hình dịch bệnh, kèm theo thông điệp cảnh báo cùng khuyến nghị từ Bộ Y tế dưới dạng infographic dễ tiếp cận.
Trong khi đó, Pharmacity thể hiện rõ vai trò như một “trạm y tế mini” với thông điệp “Sẵn sàng bảo vệ bạn”, nhấn mạnh khả năng cung cấp đầy đủ các vật dụng phòng dịch như khẩu trang, kit test, nước súc miệng hay vitamin.
Bên cạnh thông điệp, khuyến mãi thực tế cũng được khai thác mạnh. Pharmacity và Nhà thuốc An Khang cùng triển khai các gói combo ưu đãi, giảm giá lên đến 35% cho các sản phẩm phòng dịch, kết hợp thiết kế hình ảnh nổi bật nhằm tăng khả năng chuyển đổi.
Với hướng tiếp cận nhẹ nhàng hơn, Lifebuoy lồng ghép thông điệp phòng dịch vào hoạt động chăm sóc sức khỏe thường nhật, tập trung vào thông điệp “chủ động sạch khuẩn” mà không gây cảm giác hoang mang.
Đáng chú ý, Chubb Life là thương hiệu duy nhất không đề cập trực tiếp đến COVID-19 mà thay vào đó là góc nhìn bền vững về bảo vệ hệ hô hấp – một yếu tố then chốt giúp duy trì chất lượng sống lâu dài. Cách truyền thông mang hơi hướng giáo dục này được thể hiện bằng hình ảnh gia đình, thiên nhiên, góp phần lan tỏa thông điệp một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.
4. Kết luận
COVID-19 vẫn là một chủ đề đặc biệt nhạy cảm trên mạng xã hội. Mỗi khi xuất hiện thông tin mới từ cơ quan chức năng, làn sóng thảo luận lập tức bùng nổ với tốc độ cao, kéo theo nhiều cảm xúc tiêu cực như lo lắng, hoang mang từ phía cộng đồng. Điều này không chỉ cho thấy mối quan tâm cao của cộng đồng với các vấn đề sức khỏe, mà còn phản ánh rõ mức độ nhạy cảm và dễ bị tác động của người dùng trước các thông tin liên quan đến dịch bệnh.
Vì vậy, các thương hiệu cần theo dõi sát sao sắc thái thảo luận của các chủ đề tương tự để có phản ứng phù hợp, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm. Việc nắm bắt kịp thời các luồng cảm xúc tích cực và tiêu cực giúp brand tránh rơi vào khủng hoảng không đáng có, đồng thời chọn đúng thông điệp và thời điểm để tham gia vào cuộc đối thoại cộng đồng.
Thực tế cho thấy, các chiến dịch truyền thông không gây hoang mang nhưng vẫn đảm bảo tính cảnh báo – như cách Lifebuoy, Nhà thuốc An Khang hay Pharmacity triển khai – đều nhận được phản hồi tích cực. Điều này đặt ra yêu cầu: thương hiệu không thể “bắt trend” COVID một cách hời hợt, mà cần dựa trên dữ liệu và hiểu đúng tâm lý người dùng trong từng thời điểm.
Dữ liệu từ YouNet Media cho thấy: mỗi đợt bùng phát thông tin đều kéo theo sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi và cảm xúc cộng đồng – từ mức độ thảo luận, chủ đề quan tâm đến phản ứng tiêu dùng thực tế. Điều này mở ra cơ hội để các thương hiệu đồng hành thiết thực và kịp thời với người tiêu dùng, thông qua những nội dung đúng ngữ cảnh và mang lại giá trị.
Hãy cùng YouNet Media cập nhật diễn biến các chủ đề hot trending trong nhiều lĩnh vực mỗi ngày tại đây.