4.534 lượt xem
Sau hơn một tháng bước chân vào thị trường Việt Nam, đối tác chiến lược của Go-Jek tại Việt Nam – GO-VIET chiếm 39.36% thị phần thảo luận về ứng dụng đặt xe công nghệ. Với những bước đi nội địa hóa, trong tương lai liệu GO-VIET có thể đánh bại Grab tại thị trường Việt Nam?
*Brand Worth-To-Watch: Loạt bài viết phân tích những thương hiệu mới nổi trên Social Media, do các chuyên gia phân tích của YouNet Media, Agency hàng đầu về Social Insight & Solution thực hiện. Những thương hiệu xuất hiện trong series này cần thỏa mãn 3 tiêu chí: [1] Mới xuất hiện trên thị trường trong thời gian ngắn [2] Tạo được làn sóng quan tâm của dư luận và khách hàng mục tiêu [3] Nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.
Dù mới ra mắt nhưng GO-VIET chiếm được thị phần thảo luận cao với chỉ số cảm xúc tích cực
Theo số liệu thu thập được từ công cụ SocialHeat thì từ ngày 01/08/2018 – 15/09/2018 GO-VIET nhận về 339,860 lượt tương tác (interaction) và 152,702 lượt thảo luận (mention) từ 64,753 người dùng chia sẻ và thảo luận về thương hiệu. Chỉ số cảm xúc về thương hiệu cũng tăng từ 0.21 lên 0.7 (so với tuần đầu ra mắt) cho thấy được thương hiệu GO-VIET đang từng bước ổn định và hoàn thiện, đáp ứng được phần nào nhu cầu của thị trường hiện tại.
Hiện tại, GO-VIET cũng giữ vị trí thứ hai với 39.36% thị phần thảo luận về ứng dụng gọi xe công nghệ dù chỉ là “tân binh”. Grab giữ vị trí đầu bảng với 57.40%, các đối thủ còn lại vẫn chưa có những “hành động quyết liệt” trong cuộc chiến giành thị phần ứng dụng gọi xe công nghệ này. Trên đường đua hiện tại là cuộc “so găng” giữa GO-VIET và Grab. GO-VIET ngày càng chứng tỏ được sức ảnh hưởng và thể hiện một phong độ khá tốt dù mới vào thị trường khiến đối thủ hàng đầu là Grab cũng phải dè chừng.
Câu chuyện của GO-VIET mang tính chiến lược dài hạn đòi hỏi nhiều nghiên cứu chuyên sâu về thị trường và người dùng. Thành công bước đầu khi gia nhập vào thị trường Việt Nam của GO-VIET cho thấy được một chiến lược “nội địa hóa” bài bản.
Dưới đây là những phân tích từ YouNet Media, Agency hàng đầu về Social Insight & Solution tại Việt Nam.
Những yếu tố khiến chiến lược nội địa hóa của GO-VIET thành công bước đầu
Hiểu hành vi người dùng
GO-VIET khi bắt đầu xâm nhập thị trường tại TPHCM tập trung vào mảng “xe ôm công nghệ” với chương trình khuyến mãi hấp dẫn “Vi vu thả ga 5,000đ”. Chỉ trong vòng một tháng thực hiện chương trình này GO-VIET nhận về sự quan tâm lớn từ phía người dùng với 11,458 thảo luận về chương trình khuyến mãi này. Khi ra quân tại Hà Nội, GO-VIET đem đến chương trình khuyến mãi 1,000đ cho người dùng tại Thủ Đô. Chương trình cũng khá thu hút người dùng với 2,286 thảo luận chỉ trong 3 ngày ra mắt (12/9/2018-15/9/2018). Cho đến thời điểm hiện tại chương trình khuyến mãi 5,000 đồng này vẫn là cột mốc đáng nhớ nhất của GO-VIET.
Việc trả mức phí thấp cho một dịch vụ tốt giúp GO-VIET nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, ngoài vấn đề về giá cả thì việc thực hiện các chương trình khuyến mãi, chất lượng dịch vụ cùng với tốc độ đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm tăng trải nghiệm người dùng là vô cùng quan trọng.
Đối tượng khá hưởng ứng chương trình khuyến mãi này là giới trẻ, học sinh – sinh viên (đối tượng có độ tuổi từ 18 – 25 chiếm 38.5%). Các đối tượng này có xu hướng sẽ đi học, đi chơi bằng GO-VIET thay vì xe buýt hoặc tự chạy xe máy để có thể trải nghiệm một dịch vụ mới nổi tại thị trường, “vừa rẻ, vừa tiện”. Điều này cho thấy thành công bước đầu của GO-VIET trong việc đánh đúng vào tâm lý khách hàng trẻ và một phần nào thay đổi thói quen di chuyển của họ.
Nhưng nếu họ chỉ sử dụng chỉ vì giá rẻ thì họ cũng có thể dễ dàng thay đổi nếu trong tương lai có một ứng dụng đặt xe khác thực hiện điều tương tự. Người dùng có lý của họ cho rằng họ có quyền lựa chọn dịch vụ tốt tương xứng với chi phí mình bỏ ra hoặc “ai lợi hơn thì mình chọn thôi”. Có 407 thảo luận của người dùng bày tỏ rằng “Sử dụng app nào cũng được miễn rẻ và tốt”.
Về lâu về dài người dùng mạng xã hội bày tỏ quan điểm rằng hi vọng GO-VIET có thể duy trì mức giá hợp lý kèm những ưu đãi hấp dẫn để họ có thể tiếp tục đồng hành cùng GO-VIET.
Sắc đỏ khơi gợi lòng tự hào dân tộc
Sự đổ bộ của GO-VIET “điểm thêm những màu đỏ xen lẫn màu xanh của Grab trên phố phường”. Bộ nhận diện thương hiệu màu đỏ vừa đủ nổi bật, vừa gần gũi và hợp với người Việt Nam. Khi nói về GO-VIET có đến 3,346 thảo luận nhắc đến màu đỏ, điều này chứng tỏ màu sắc giữ một vai trò khá quan trọng đối với thành công hiện tại của GO-VIET.
Màu sắc cũng khơi gợi nên lòng tự hào dân tộc, có 60.97% thảo luận về việc sử dụng GO-VIET là vì ủng hộ hàng Việt Nam cũng như làm giảm sự độc quyền của Grab như hiện tại. Bên cạnh đó cũng có 39.03% người dùng cho rằng GO-VIET chính là GO-JEK, xuất thân từ Indonesia chứ không phải là của Việt Nam, như vậy thì “đi GO-VIET hay Grab thì cũng như nhau cả thôi”.
Người dùng liên tưởng đến “người cũ” Uber
Grab nắm độc quyền thị trường, các ứng dụng “được gọi tên” như Mai Linh Bike, VATO, T.NET lại không thể lấp đầy khoảng trống mà Uber bỏ lại. Với chất lượng tốt, giả cả hợp lý cùng thái độ lịch sự, gần gũi của tài xế GO-VIET, người dùng không khỏi có những liên tưởng về “người cũ” Uber với những thiện cảm tốt. Có đến 2,751 mentions của người dùng nhắc đến Uber khi thảo luận về chất lượng dịch vụ của GO-VIET. Người dùng cũng bày tỏ hi vọng sự cạnh tranh giữa các thương hiệu ứng dụng gọi xe công nghệ như hiện tại sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng và tài xế.
Hậu sáp nhập Uber, 77.1% người dùng bày tỏ sự lo ngại của mình về sự độc quyền của Grab tại thị trường Việt Nam.
GO-VIET vào thị trường Việt Nam lại cảm giác của Uber ngày xưa càng khiến cho người dùng cảm thấy không hài lòng về dịch vụ hiện tại của Grab, đặc biệt là về thái độ của tài xế. Rất nhiều phản hồi tiêu cực về Grab cũng như nhiều người tuyên bố sẽ tẩy chay Grab để sử dụng GO-VIET. Có 1,599 thảo luận khẳng định rằng sự xuất hiện trên thị trường của GO-VIET sẽ chấm dứt sự độc quyền của Grab, đem lại nhiều lợi ích hơn cho cả người dùng và tài xế.
Xây dựng hình ảnh thương hiệu khá thân thiện trên mạng xã hội
GO-VIET có một sự đầu tư chỉn chu cho hình ảnh và content trên fanpage của mình. Hình ảnh tài xế được xây dựng hình ảnh khá gần gũi như “ông chú GO-VIET” “bác GO-VIET” “cô GO-VIET”, tạo thiện cảm với người dùng.
GO-VIET tận dụng khá tốt được độ hot của các chương trình khuyến mãi hấp dẫn của các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee. Bên cạnh đó, content GO-VIET cũng là chủ đề đang được chú ý và tạo được cảm xúc cho người dùng mạng xã hội. Fanpage GO-VIET cũng thường xuyên tạo nên các minigame thu hút sự quan tâm của người dùng mạng xã hội.
(Nguồn: Fanpage GO-VIET)
Nhận thức của người dùng và tài xế về thương hiệu GO-VIET
Ở giai đoạn đầu, người dùng tỏ ra khá hài lòng với ứng dụng đặt xe GO-VIET với 89.97% phản hồi tích cực. Người dùng đánh giá cao GO-VIET ở phần giá cả với 40.25% và tài xế GO-VIET rất thân thiện với 36.18% thảo luận. Bên cạnh đó, tìm được tài xế nhanh chóng cũng là một điểm cộng của GO-VIET với 13.54% phản hồi tích cực, người dùng bày tỏ “vừa book là có ngay tài xế”.
Có thể thấy, ở bước đầu GO-VIET đã làm rất tốt việc thu hút người dùng khi đánh đúng tâm lý thích sử dụng dịch vụ tốt, nhanh chóng nhưng giá cả lại phải hợp lý, rẻ thì càng tốt. Bên cạnh đó, do là “người mới đến” nên GO-VIET không tránh khỏi những điểm chưa hoàn chỉnh dẫn đến có 10.03% phản hồi tiêu cực về sự phủ sóng của GO-VIET. Chương trình khuyến mãi 5.000đ (TP.HCM) và 1.000đ (Hà Nội) chỉ áp dụng tại các quận trung tâm, ứng dụng nhiều lúc bị lỗi không thể đặt được xe.
Cánh tài xế tỏ ra khá hài lòng với các chính sách của GO-VIET đối với họ (73.87% thảo luận tích cực). Điều này càng thu hút thêm nhiều tài xế ở các ứng dụng khác về đầu quân cho GO-VIET. Tuy nhiên, do app vẫn chưa ổn định về phần định vị, bản đồ dẫn đến 26.13% phản hồi tiêu cực. GO-VIET cần cải thiện, nâng cấp giúp trải nghiệm tốt hơn từ cả người dùng lẫn tài xế.
Tạm kết
Giai đoạn mới bước vào thị trường, GO-VIET thể hiện một sự chuyên nghiệp, tinh tế trong truyền thông thương hiệu. Chiến lược phần nào dựa vào những nền tảng nhận thức sẵn có của người dùng về thị trường, sản phẩm, đặc biệt là sự thiện cảm giành cho Uber vẫn còn cùng những bức xúc hiện tại đối với Grab.
Đến thời điểm hiện tại phần nào đó Go-Jek thể hiện khả năng hòa nhập văn hóa và hiểu được người dùng Việt từ việc chọn màu sắc đến biến mỗi tài xế thành một đại sứ thương hiệu nhỏ của mình. Đây chính là một trong những cầu nối quan trọng giữa thương hiệu và người dùng, tiếp xúc trực tiếp để có thể truyền tải hình ảnh tốt nhất của thương hiệu đến người dùng.
Bài viết được phân tích bởi đội ngũ chuyên gia phân tích của YouNet Media và sử dụng số liệu từ SocialHeat – Hệ thống Social Listening & Market Intelligence duy nhất tại Việt Nam có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực, một cách tự động và có phạm vi thu thập bao phủ hơn 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội.
Thương hiệu của bạn quan tâm tới việc theo dõi, đo lường phản hồi người dùng mạng và phân tích đối thủ cạnh tranh trên Social Media? Hãy đăng ký ngay để nhận miễn phí Mẫu Báo Cáo Brand & Competitor Mornitoring Report mà các CMO, Manager của thương hiệu đình đám đang sử dụng, do YouNet Media độc quyền cung cấp.