2.376 lượt xem
Trong bài viết đầu tiên của Series “TOP 10 Bệnh văn phòng và cơ hội cho các thương hiệu ngành Dược”, dữ liệu của YouNet Media đã cho thấy những rào cản, các kênh thông tin có vai trò quyết định trong hành trình điều trị bệnh dùng thuốc hay không dùng thuốc của nhóm Nhân viên văn phòng. Trong đó, có tới hơn 77% người dùng lựa chọn các phương pháp không dùng thuốc. Vậy, đối với 25% còn lại – nhóm Nhân viên văn phòng chọn dùng thuốc (thuốc không kê đơn OTC, thực phẩm chức năng) – họ gọi tên các thương hiệu Dược phẩm nào và đánh giá chất lượng của từng thương hiệu này tốt hay không trên MXH? Đọc lại bài viết đầu tiên thuộc series tại đây.
Cùng YouNet Media khám phá trong bài viết số 2: Tủ thuốc của dân văn phòng chia theo 5 nhóm bệnh văn phòng phổ biến: Thần kinh – tâm lý, Tiêu hóa, Cơ xương khớp, Mắt, Hô hấp & Cơ hội ghi dấu ấn cho các thương hiệu ngành Dược trên Social Media.
Không quá khi nói dân văn phòng “từng trải” luôn có sẵn cho mình vài thương hiệu Dược quen thuộc, phòng những trường hợp cấp thiết “nước xa không thể cứu lửa gần”. Bên cạnh những gương mặt quen thuộc như Salonpas, Panadol, Yumangel thì những thương hiệu nào được dân công sở tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” trong tủ thuốc, nhận được thảo luận nhiều trên MXH? Cùng YouNet Media khám phá những thương hiệu Dược được thảo luận nhiều nhất chia theo 5 nhóm bệnh phổ biến: Thần kinh – tâm lý, Tiêu hóa, Cơ xương khớp, Mắt & Hô hấp.
I. Tủ thuốc văn phòng chia theo từng nhóm bệnh
Thuộc nhóm đối tượng chú trọng đến sức khỏe, theo đó tủ thuốc của dân văn phòng khá đa dạng từ các loại thuốc chuyên về điều trị đến các loại thực phẩm chức năng bổ sung các hoạt chất, tăng cường sức khỏe. Bên cạnh những thảo luận tập trung vào các thương hiệu thuốc, các hoạt chất bổ sung, hỗ trợ điều trị cũng được gọi tên. Điển hình như nhóm bệnh tiêu hóa là hoạt chất Curcumin thường xuyên được nhắc đến khi ghi nhận hơn 100K thảo luận; nhóm thần kinh tâm lý là hoạt chất Melatonin – hơn 40K thảo luận, Aspirin – 27,5K thảo luận, Ibuprofen với gần 21,5K thảo luận; nhóm xương khớp là hoạt chất Glucosamine với hơn 37K thảo luận (dữ liệu ghi nhận từ tháng 1-tháng 8/2023).
Dưới đây, cùng tìm hiểu chi tiết TOP 5 thương hiệu thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) được thảo luận nhiều nhất trên Mạng xã hội trong tủ thuốc của dân văn phòng theo từng nhóm bệnh.
1. Panadol là “thần dược” trong tủ thuốc văn phòng nhóm Thần kinh – Tâm lý (đau đầu, mất ngủ)
Panadol, Hoạt huyết Nhất Nhất, Ginko, Otiv, NATROL Gummies MELATONIN là TOP 5 thương hiệu được dân văn phòng đề cập đến nhiều nhất trên Mạng xã hội khi nhắc đến các nhóm bệnh thần kinh tâm lý . Trong đó, Panadol dường như trở thành “thần dược” trị đau đầu của dân văn phòng. Đây là thương hiệu được thảo luận nhiều nhất trong tủ thuốc văn phòng nhóm bệnh thần kinh tâm lý, thu hút 38.872 thảo luận (1/1 – 1/8/2023). Không quá khi nói hầu như dân văn phòng nào cũng “thủ sẵn”một vỉ, Panadol là “Những thứ k thể thiếu khi đi làm:]]”.
Ghi dấu ấn trong lòng người dùng là sản phẩm thuốc Đông y có tác dụng bổ huyết, tăng cường tuần hoàn máu não, cung cấp đủ oxy cho não, an thần, cải thiện trí nhớ,… hoạt huyết Nhất Nhất là thương hiệu nổi bật, được nhắc đến nhiều thứ #2 với 11.762 thảo luận. Nên uống hoạt huyết khi nào, có thể sử dụng chung với các loại thuốc khác không là những thắc mắc thường gặp của người dùng khi tìm hiểu về thuốc “Mn cho e hỏi cumargol uống chung với hoạt huyết nhất nhất đc không ạ?”
Để cải thiện tình trạng “não cá vàng”, dân văn phòng cũng rất chịu chi cho các thực phẩm chức năng. Trunature Ginkgo Biloba, Otiv, Natrol Gummies Melatonin là những cái tên thường xuyên được nhắc đến trên Mạng xã hội. Theo đó, trong tủ thuốc về nhóm bệnh thần kinh – tâm lý, Ginkgo xếp thứ #3, thu hút 4.482 thảo luận, kế đến là Otiv với 3.116 thảo luận, đứng thứ #4. Cuối cùng là kẹo dẻo ngủ ngon NATROL Gummies MELATONIN với 2.746 thảo luận.
Bên cạnh dòng thảo luận sôi nổi từ phía người dùng, phía thương hiệu cũng rất “năng nổ” trên Mạng xã hội. Nổi bật trong nhóm này có thể nhắc đến OTiV với các hoạt động livestream tư vấn với bác sĩ, chương trình khuyến mãi & content tăng tương tác.
2. Tottri là thương hiệu Dược được nhắc đến nhiều nhất trong tủ thuốc văn phòng về tiêu hóa (đau dạ dày, trĩ, táo bón)
Trong tủ thuốc văn phòng cho các nhóm bệnh về tiêu hóa, khá bất ngờ khi xếp Tottri của nhà Traphaco- được biết đến với chức năng điều trị, giảm đau trĩ – là thương hiệu được người dùng gọi tên nhiều nhất với 12.909 thảo luận. Đứng thứ #2 là gel bôi trĩ Cotripro với 8.308 thảo luận.
Nhìn chung, Tottri và Cotripro khá “năng động” trên MXH khi liên tục xuất hiện với những nội dung tương tác hài hước trên các hotpage như Thăng Fly Comics, Kiếp Văn Phòng, Vàng Xám Comic, Bankers có gì vui?, Theanh28 Entertainment. Bên cạnh đó thương hiệu cũng xuất hiện trong các video review về sản phẩm từ các mom, bác sĩ. Ngoài ra, Cotripro còn tài trợ cho series Tạp hóa hài mùa 2 cũng thu hút lượng lớn sự quan tâm từ người dùng.
“Nhanh”, “giảm cấp tốc các triệu chứng” là các từ khóa nổi bật mà người dùng quan tâm thảo luận về gel, thuốc dạ dày. Trong các loại thuốc về dạ dày, Cumargold là thương hiệu thu hút thảo luận nhiều thứ #3, với 7.207 thảo luận. Cumargold với thành phần từ Nano Curcumin được biết đến là thuốc hỗ trợ các bệnh liên quan đến dạ dày như viêm loét, trào ngược, nhiễm khuẩn HP. Tuy nhiên, một số người dùng nhận định Cumargold là thuốc điều trị thay vì thực phẩm chức năng hỗ trợ và bản thân bệnh nhân không phân biệt được sự khác nhau của thuốc và thực phẩm chức năng. Chính vì vậy, thương hiệu Cumargold thường bị nhắc tên trong các bình luận tiêu cực: “Đã uống 16 hộp mua tặng kèm 2 hộp… chỉ tốn tiền thôi bạn . Ko hiệu quả .”, “mình cũng 10 hộp kg ăn thua”…
Đứng vị trí #4 và #5 không ai khác là gel dạ dày Gaviscon và Yumangel (hay còn gọi là thuốc chữ Y) lần lượt với 5.719 và 5.262 thảo luận. Nếu trước đây “Gói P” tức Gel dạ dày quốc dân với hoạt chất Phosphalugel thường xuyên chiếm chỗ trong tủ thuốc của dân văn phòng và trên các cộng đồng bệnh dạ dày thì giờ đây 2 thương hiệu Gaviscon và Yumangel với tác dụng giảm đau nhanh, hương vị dễ chịu hơn “gói P”, đã được dân công sở ưu ái thủ sẵn hai loại thuốc này, “Uống Gaviscon ok đó, giảm nhiều”, “trữ sẵn thuốc chữ y đi bạn, giảm đau cấp tốc đó”.
3. Salonpas là “bí kíp” thủ sẵn của dân văn phòng trong tủ thuốc về xương khớp (Đau lưng)
Nhức mỏi, đau lưng là “bệnh nghề nghiệp” của hầu hết dân văn phòng, do đó có một khoảng thời gian dân văn phòng kháo nhau rằng “Bây giờ đừng có ai hỏi “Cuộc sống em ổn không?” nữa mà phải hỏi là “Cột sống em ổn không?” mới đúng. Tầm này chỉ có nhức lưng mỏi vai, đau cột sống thoy :)))))”. Không quá bất ngờ khi tủ thuốc về xương khớp của nhân viên văn phòng không thể không có Salonpas “Nghe mùi Salonpas là thấy uy tín ròi”. Salonpas đã thu hút 11.848 thảo luận, xếp vị trí #1 trong tủ thuốc về xương khớp được thảo luận nhiều nhất. Salonpas dường như trở thành “thần dược” cứu cánh mỗi khi nhắc đến đau lưng nhức mỏi “Mê cái salonpas ghê”,“Mang salonpas đi muôn nơi =)))”, “người ta saranghe, tui salonpas”,… là những thảo luận thường thấy trên mạng xã hội mỗi khi nhắc đến Salonpas.
Bên cạnh Salonpas, dân văn phòng còn chú trọng bổ sung các hoạt chất từ bên trong cho xương khớp, điển hình là Glucosamine. Trong các hội nhóm thảo luận về các vấn đề xương khớp, không khó để bắt gặp thảo luận hỏi về hoạt chất này như “Hội mình có ai bán glucosamin ko ạ”. Theo đó, TPCN được người dùng nhắc tên nhiều nhất trên MXH lần lượt là: Glucosamine Orihiro đến từ Nhật xếp vị trí #2 với 1.779 thảo luận; đứng thứ #3 với 1.513 thảo luận là Kirkland Glucosamine HCL thương hiệu đến từ Mỹ; vị trí #4 thuộc về Blackmores Glucosamine đến từ Úc với 904 thảo luận; đứng thứ #5 là Cốt thoái vương của công ty Tư vấn Y dược Quốc tế (IMC) với 869 thảo luận.
4. Thương hiệu thuốc nhỏ mắt “quốc dân” dẫn đầu thảo luận trong tủ thuốc về mắt
Mỏi mắt, khô mắt, tật khúc xạ ở mắt cũng là các vấn đề dễ thấy của dân 8 tiếng ngồi màn hình. Thông thường, dân văn phòng sử dụng thuốc nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo để làm giảm các triệu chứng khó chịu khi làm việc hàng ngày và tăng cường sức khỏe mắt. Nổi bật và được nhắc đến nhiều nhất trên MXH không ai khác ngoài thuốc nhỏ mắt V.Rohto của Nhật, ghi nhận 3.789 thảo luận, “muốn mắt không khô thì hoặc là V.Rohto, hoặc đau khổ một cuộc tình”, “dùng thử Rohto đi nhỏ mắt cũng ok lắm á” là những thảo luận điển hình xoay quanh thương hiệu thuốc nhỏ mắt này.
Cũng đến từ Nhật, cung cấp các loại Vitamin A, E, B6, giúp cải thiện tình trạng mỏi, ngứa, mờ mắt – Eyemiru đang là thương hiệu được thảo luận nhiều thứ #2 với 1.536 thảo luận, “giá cả ok phết”, “nhỏ mắt này sài ok lắm”. Được người dùng truyền tai nhau đây là thuốc nhỏ mắt dành riêng cho người cận, thu hút 1.114 thảo luận thuốc nhỏ mắt Santen của Nhật xếp vị trí #3, “dùng đỉnh lắm mấy chị :’)))) dùng mà 1 năm rưỡi rồi, nay mới tăng độ lại”.
Thương hiệu đến từ Úc – Systane Ultra xếp vị trí #4 với 721 thảo luận và vị trí #5 thuộc về thương hiệu nước mắt nhân tạo đến từ Mỹ – Refresh Tears với 709 thảo luận “Refresh trước mình mổ mắt xong được kê dùng mấy năm liền”, “m thấy refresh là chân ái luôn á, ở chỗ mình mấy anh chị dược sĩ cũng khuyên dùng loại này, nói chung là cực ưng luôn”.
5. “Cứu tinh” thông mũi của dân văn phòng – Xịt mũi Xisat dẫn đầy thảo luận trong tủ thuốc về hô hấp.
Ngồi trong máy lạnh lâu dài, dân văn phòng dễ mắc các vấn đề về hô hấp, nhất là viêm xoang, viêm mũi. Các bệnh hô hấp là “kỳ đà cản mũi”với công việc của nhân viên văn phòng “khó chịu, nhức chịu không nổi”, “không thở được, cứu”. Do đó, dân công sở rất quan tâm trong việc vệ sinh, xịt mũi kháng khuẩn, Xisat là thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất với 836 thảo luận, “an tâm lắm vì mũi họng lúc nào cũng sạch sẽ thông thoáng nè”, “Xisat này lúc nào cũng có trong tủ thuốc nhà e đó”.
Vị trí #2 là xịt mũi Hadocort với 581 thảo luận, tuy nhiên vị trí này mang nhiều “tai tiếng” hơn là danh tiếng bởi thương hiệu thường vướng phải các phản hồi tiêu cực tới từ các sự vụ bệnh nhân chưa có đủ kiến thức, lạm dụng thuốc xịt mũi có corticoid dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, năm 2023 vừa qua, trong sự vụ hai anh em bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc xịt mũi có chứa corticoid, Hadocort vô tình bị réo tên và nhận được nhiều phản hồi gay gắt, lên án, thậm chí kêu gọi không nên sử dụng thuốc xịt mũi “hadocort đúng k” “ngừng ngay”,“Gòi gòi xong gòi. Ko dám dùng nữa”. Sự vụ này làm người dùng liên tưởng đến sự vụ tương tự ở năm 2022, cô gái ở Hà Nội lạm dụng thuốc xịt mũi có chứa corticoid dẫn đến hội chứng Cushing, chỉ khác là thương hiệu Hadocort được réo tên trực tiếp trong bài đăng này.
Thương hiệu cũng thường “được gọi tên” trong các bài viết khuyến cáo, các bài viết phân tích chỉ ra rằng thành phần thuốc có chứa Dexamethason natri phosphat là loại corticoid rất mạnh, nếu lạm dụng có thể gây ra các hội chứng cushing (mặt tròn, bụng to, chân tay teo, bụng và đùi có rất nhiều vết rạn da màu đỏ), suy thượng thận. Thực tế, đây là thuốc xịt mũi thuộc nhóm phải có kê đơn của Bác sĩ nhưng bệnh nhân thường chủ quan và tự điều trị, do vậy YouNet Media khuyến cáo bạn nên tìm hiểu kỹ hoặc thăm khám bác sĩ trước khi sử dụng.
Tiếp tục trong danh sách thương hiệu được quan tâm của nhóm Bệnh hô hấp, vị trí #3 thuộc về Kirkland Aller-Flo với 482 thảo luận. Tiếp đến là thuốc xịt mũi Meseca xếp vị trí #4 với 408 thảo luận, “thuốc được bệnh viện Tai Mũi Họng TW kê ạ”, “loại này dùng thích lắm luôn c ạ e bị viêm mũi dị ứng cứ phải có loại này mới đỡ”. Vị trí #5 trong tủ thuốc văn phòng về các nhóm bệnh hô hấp không ai khác ngoài thuốc xịt Benita với 290 thảo luận.
II. Các thương hiệu ngành Dược có thể tận dụng dữ liệu Social Listening như thế nào để “chiếm trọn chú ý” trên Social Media?
Mặc dù thông thạo với Mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm nhưng đứng trước nhiều luồng thông tin trái chiều, fake news tràn ngập, cộng với việc chưa trang bị đầy đủ kiến thức, tâm lý nóng vội, sợ hãi trong hành trình tìm kiếm thông tin điều trị bệnh… khiến dân văn phòng nói riêng và bệnh nhân nhiều lứa tuổi nói chung, dễ rơi vào trạng thái lạc lối, hoang mang.
Xem phân tích chi tiết hành trình khám & chữa bệnh trên MXH tại đây
Do đó, việc lắng nghe người dùng trên Mạng xã hội sẽ đem đến một lợi thế tiếp cận thông tin chưa từng có đối với các thương hiệu Dược/Y tế. Từ đó, các thương hiệu có thể nhanh chóng xoay chuyển phù hợp với ưu thế cạnh tranh và danh tiếng của mình. Dưới đây, YouNet Media có một vài đề xuất để thương hiệu cân nhắc cho chiến lược Marketing:
1. Liên tục theo dõi khủng hoảng & tin tiêu cực ngành Dược / Y Tế / Chăm sóc sức khoẻ (Crisis Monitoring)
Đặc thù ngành Dược – Y Tế – Chăm sóc sức khỏe là tâm lý người dùng cuối (bệnh nhân) dễ bị ảnh hưởng & dễ bị định hướng bởi tin giả (fake news) trên mạng xã hội. Vì vậy việc lắng nghe, theo dõi người dùng & kịp thời truyền tải nội dung qua các kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy, giúp người dùng hiểu đúng về sản phẩm là cơ hội của thương hiệu xây dựng lòng tin với khách hàng. Bên cạnh đó việc quan sát và kiểm tra thường xuyên giúp các thương hiệu ngành Dược nhanh chóng nắm bắt và kịp thời xử lý nếu có tin tiêu cực/ rủi ro khủng hoảng truyền thông xảy ra với thương hiệu.
Điển hình nhất là giai đoạn T7-8/2023, thời điểm dịch đau mắt đỏ đang bùng lên ở nhiều nơi: Tin theo những lời khuyên trên các hội nhóm online rằng sử dụng thuốc Tobradex sẽ nhanh khỏi nên không ít người đua nhau tìm mua. Tuy nhiên, đã xuất hiện trường hợp tự ý lạm dụng thuốc nhỏ mắt Tobradex nên gây ra tình trạng sụt giảm thị lực nghiêm trọng do thuốc có chứa corticoid. Theo đó, người dùng bắt đầu lo lắng, sợ hãi “Em giờ nên dùng loại nào chi ơi”, thậm chí kêu gọi “quay xe” không sử dụng loại thuốc nhỏ mắt này như “đụng cái lại corticoid đấy, đừng dùng”. Đáng chú ý, mặc dù không liên quan nhưng do tên gọi hao hao nhau, thương hiệu Tobrex – thuốc nhỏ mắt không chứa corticoid cũng bị lôi vào “lùm xùm tai tiếng” này.
Việc theo dõi các thảo luận có liên quan đến ngành Dược là một việc làm cần thiết để các thương hiệu có thể ngăn ngừa khủng hoảng trước khi nó xảy ra. Trong trường hợp này, Crisis Monitoring 24/7 sẽ giúp thương hiệu ngành Dược – Y Tế – Chăm sóc sức khoẻ theo dõi tin tiêu cực, khủng hoảng, từ đó Marketers sẽ tìm ra cách ứng phó nhanh chóng và hiệu quả nhất.
2. Theo dõi sức khỏe thương hiệu (Brand & Competitors Tracking)
Việc theo dõi sức khỏe thương hiệu, thu thập dữ liệu về tình trạng thảo luận trên mạng xã hội là vô cùng cần thiết đối với các thương hiệu Dược. Những chỉ số thu thập được từ việc lắng nghe mạng xã hội giúp các thương hiệu biết được vị thế, thị phần và hoạt động của thương hiệu mình so với các đối thủ cạnh tranh, hiểu được lý do mà khách hàng lựa chọn thương hiệu này chứ không phải là thương hiệu khác. Ngoài ra, “lắng nghe” giúp các thương hiệu nắm bắt các mối quan tâm và giải quyết phàn nàn từ người tiêu dùng.
Ví dụ như: Trong tủ thuốc của dân văn phòng về nhóm bệnh tiêu hóa, riêng nhóm gel dạ dày thì Yumangel và Gaviscon là hai thương hiệu nổi bật nhất với 5.719 thảo luận và 5.262 thảo luận (dữ liệu từ YouNet Media, time range: 1/1 – 1/8/2023). Mặc dù rất hiệu quả trong việc giải quyết tức thời các triệu chứng khó chịu nhưng người dùng vẫn còn nhiều rào cản trong quá trình sử dụng như không hiệu quả, tác dụng phụ không lường được khi sử dụng lâu dài “ Gaviscon chỉ giảm đc 1 chút thôi chứ ko hết đc”, “ bs nói gaviscon uống nhiều có khả năng suy thận”. Những thảo luận này giúp thương hiệu sáng tạo những nội dung, chiến dịch đánh đúng tâm lý, nỗi đau của người dùng.
Việc kiểm tra sức khỏe thương hiệu trên MXH sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp các thương hiệu có phản ứng nhanh hơn và lập kế hoạch tốt hơn trong việc giải quyết thắc mắc, quan tâm từ người tiêu dùng. Càng hiểu rõ về lợi thế cạnh tranh trên MXH, thương hiệu Dược càng có thể lập kế hoạch tốt hơn trong việc giao tiếp, truyền tải những lợi ích của sản phẩm giải quyết đúng nỗi đau, nhu cầu của khách hàng.
3. Khám phá sự thật ngầm hiểu (Insight) và nhận thức (perception) của người dùng
Nắm bắt được đối tượng người dùng thảo luận (họ là ai, sinh sống ở đâu, trong độ tuổi nào), hành trình lựa chọn thuốc, phương pháp điều trị, những nơi họ thường chia sẻ quan điểm, review địa điểm thăm khám sức khỏe, thương hiệu thuốc uy tín (hội nhóm Facebook, TikTok, chuyên gia bác sĩ, báo chí,…), cũng như những động lực (motivation), rào cản (barriers) của người dùng trong lúc lựa chọn nhãn hiệu thuốc, thực phẩm, phương pháp chăm sóc sức khỏe sẽ giúp ích thương hiệu rất nhiều trong việc lập kế hoạch truyền thông đánh đúng, chạm sâu nỗi đau (pain points) của người dùng & thuyết phục được họ.
Ví dụ như: với nhóm nhân viên văn phòng (NVVP) thường hay thảo luận về các vấn đề dạ dày chủ yếu là nữ (chiếm hơn 80%), và ở độ tuổi từ 25-34 (hơn 70%). Mạng xã hội là kênh để người dùng tìm kiếm và tham khảo thông tin các vấn đề về dạ dày, đặc biệt là tư vấn cách chữa trị, nhận biết triệu chứng và chia sẻ về giải pháp chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, với các mẹ bầu & mẹ sau sinh ở nhóm NVVP thường không thoải mái trong việc lựa chọn giải pháp điều trị bệnh dạ dày, với nỗi lo ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi/sữa cho con bú. Do đó, các mẹ có tâm lý cực kỳ cẩn trọng, chuộng các giải pháp an toàn và lành tính nên thường tìm đến các phương pháp dân gian, thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện.
Việc nghiên cứu chuyên sâu thảo luận về ngành của mình trên mạng xã hội giúp các thương hiệu ngành Dược hiểu rõ hơn về nhận thức của khách hàng và nhận thức hiện tại về thị trường cũng như về thương hiệu ngành.
4. Tìm KOLs/Influencers phù hợp cho các thương hiệu ngành Dược/ Y tế/ Chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh các hội nhóm cộng đồng, người bệnh có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm sự đồng cảm thì những người có chuyên môn cao như bác sĩ, dược sĩ là một nguồn uy tín mà người dùng thường hay tìm đến. Đây chính là kênh truyền thông giúp thương hiệu dễ dàng tiếp cận, đối thoại và gián tiếp cung cấp kiến thức y khoa chính thống tới người bệnh nói riêng và cộng đồng mạng nói chung.
Ví dụ: Khi tìm hiểu về cách thức chăm sóc sức khỏe trên MXH, nổi bật lên đó là profile của bác sĩ Lê Tiến Huy –Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Y dược. Theo dữ liệu trích xuất từ YouNet Media, đa số người theo dõi là nữ (chiếm ~70,3%), mức độ ảnh hưởng của KOLs này đến người xem chủ yếu ở mảng chăm sóc sức khỏe (61/100) & mảng dinh dưỡng (49/100).
Việc theo dõi những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong ngành giúp thương hiệu dễ dàng giao tiếp, truyền tải những lợi ích của sản phẩm đến với người dùng.Thông qua dữ liệu Social Listening từ YouNet Media, thương hiệu có thể tìm kiếm và đo lường hiệu quả của các nhóm người ảnh hưởng người dùng trên mạng xã hội. Với khả năng lọc 50 triệu profile người dùng mạng xã hội (social profile) theo địa lý, người theo dõi, tương tác trung bình bài post, nhân khẩu học, SocialLift không chỉ tìm ra KOLs là Celebrities mà có thể tìm ra micro influencers. Đây là có thể là những bác sĩ chuyên ngành, bác sĩ uy tín tại các địa phương, người có tiếng nói về một loại bệnh cụ thể (Influencer bệnh nhân) để thương hiệu có thể tìm ra được người ảnh hưởng phù hợp với mục tiêu của mình.
5. Theo dõi chiến dịch (Campaign Tracking)
Hạn chế quảng cáo nhưng không ít thương hiệu ngành Dược đã có những chiến dịch nổi bật trên Social Media giúp tăng nhận diện (Brand Awareness) và góp phần thay đổi nhận thức của người dùng (Consumer Perception). Theo đó, theo dõi chiến dịch (Campaign Tracking) trên Social Media được chia theo 3 giai đoạn: trước – trong – sau. Đo lường trước chiến dịch giúp thương hiệu ngành Dược tự tin chọn đúng thông điệp & đặt đúng KPIs. Tiếp theo, trong giai đoạn chiến dịch diễn ra, việc đo lường giúp thương hiệu sử dụng hiệu quả CHI PHÍ & đảm bảo hiệu quả thông qua đo lường trong thời gian chiến dịch đang diễn ra. Sau khi chiến dịch kết thúc, việc đo lường hiệu quả giúp Marketers rút ra bài học, tối ưu cho các chiến dịch tiếp theo.