3.796 lượt xem
1.6 triệu thảo luận mạng xã hội chỉ trong vòng 3 tháng, đề tài “vấn nạn ô nhiễm môi trường” đang nóng lên từng ngày. Khi người tiêu dùng đang hướng tới các giá trị bền vững, đó cũng là lúc thương hiệu bước vào “thử thách thay đổi” của thời đại biến đổi khí hậu.
Người tiêu dùng thảo luận gì về các vấn nạn ô nhiễm môi trường tại Việt Nam Q3.2019?
Vào thời điểm cuối tháng 8 và tháng 9/2019, những thảm họa diễn ra liên tiếp với hơn 1,6 triệu thảo luận và 5,4 triệu lượt tương tác. Rừng Amazon – lá phổi xanh của trái đất bị cháy rụi. Nhà máy Rạng Đông chìm trong biển lửa gây lo ngại rò rỉ chất độc thủy ngân. Cuối tháng 9/2019, bầu trời tại các đô thị lớn mờ đục do bụi mịn PM 2.5.
Trên kênh Social Media, bài post về thảm họa môi trường, cảnh báo nguy hại và phương pháp đề cao sức khỏe trong 1 tháng trở lại đang nhận được sự tương tác lớn của người dùng. Thông qua khảo sát và thống kê các thảo luận về môi trường trong 3 tháng gần đây, YouNet Media tổng hợp top 5 vấn nạn ô nhiễm môi trường gây bức xúc nhất trên mạng xã hội vào Q3/2019.
Quá tải rác thải nhựa: Cuộc đấu tranh chống lại “rác nhựa” đã âm ỉ trên Social Media từ lâu và vấn là đề tài đáng được quan tâm nhất. Bên cạnh các bài post viral về “cái giá thực sự của đồ nhựa” (34.5%), nội dung kêu gọi “hành động” để thay đổi thói quen tiêu thụ đồ nhựa nhận được nhiều lượt tương tác nhất (32.3%).
Ngoài ra, người dùng mạng bức xúc trước vấn nạn sử dụng đồ nhựa tràn lan tại các tổ chức, thương hiệu và các sự kiện văn hóa xã hội (11.9%).
Bụi mịn PM2.5: Các bài cảnh báo về ô nhiễm không khí lên “ngưỡng tím”, “mức cao nhất thế giới” tại các đô thị lớn ở Việt Nam tạo ra làn sóng tương tác lớn trên mạng xã hội (trung bình 2,500 lượt tương tác trên một bài viết tại các fanpage có tầm ảnh hưởng).
Bên cạnh việc tìm cách ứng phó với “bụi mịn” như đeo khẩu trang, máy lọc không khí (24.7%), người tiêu dùng còn bày tỏ sự bức xúc vì tình trạng ô nhiễm tại nơi mình sinh sống (19.4%), và lo lắng về hoạt động tập thể dục ngoài trời bị ảnh hưởng (6.4%).
Chất độc thủy ngân từ nhà máy: sự cố cháy nhà máy Rạng Đông tạo ra nhiều thảo luận từ phía người dân Hà Nội (chiếm 81% người bình luận) do nghi ngại phát tán thủy ngân cực độc ra khu vực Hạ Đình.
Trong đó chủ yếu là thảo luận lo ngại về tầm ảnh hưởng của vụ cháy tới sức khỏe của người dân xung quanh và lính cứu hỏa, phóng viên (59.1%) và những biện pháp để khắc phục tình hình như sơ tán, nghỉ học, không ăn thực phẩm gần nhà máy…(39.6%).
Tình trạng đốt và phá rừng: Người dùng mạng xã hội Việt Nam dành mối quan tâm lớn tới các thảm họa thiên nhiên gần đây: cháy rừng Amazon (khu vực Nam Mỹ), cháy rừng liên tiếp dọc các tỉnh Miền Trung (Việt Nam) và vụ cháy rừng tại Indonesia.
Đa số các thảo luận bức xúc vì nhân loại là nguyên nhân phá hủy hệ sinh thái trên Trái Đất chỉ vì sự vô ý thức hay mục đích kinh tế (54.1%). Các fanpage cộng đồng lớn đang lên tiếng kêu gọi các hoạt động quyên góp và trồng cây gây rừng để hạn chế thảm họa trong tương lai (24.3%).
Ô nhiễm nguồn nước: Trên các nội dung về ô nhiễm nguồn nước, việc sử dụng pin trong các sản phẩm dùng hằng ngày và nhà máy xả hóa chất ra môi trường chiếm tới 70.6% thảo luận.
Bài đăng “Việt Nam lọt top 4 nước chịu trách nhiệm về rác thải lênh đênh trên đại dương” đang lan truyền trên Facebook. Kéo theo nhiều thảo luận xấu hổ về “thành tích đặc biệt” của quốc gia (18%) và khơi dậy lời kêu gọi hành động cụ thể của sinh viên như vớt rác, làm sạch nguồn nước (8%).
Đối tượng thảo luận về các thảm họa môi trường chủ yếu là nữ giới và có độ tuổi 25-34. Đây chính là các đối tượng khách hàng tiềm năng cho green marketing. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước và quá tải nhựa được nữ giới quan tâm nhiều nhất do phá hủy môi trường và ảnh hưởng tới thế hệ sau. Trong khi đó nam giới quan tâm nhiều nhất tới vấn nạn bụi mịn do gây ảnh hưởng tới giao thông. Đối tượng người dùng trẻ (18-24 tuổi) quan tâm nhiều nhất tới nạn chặt phá rừng vì đó là tài nguyên quan trọng của quốc gia.
Người dùng Social Media hành động để cứu “mẹ thiên nhiên”
Những thảm họa về môi trường dồn dập khiến người tiêu dùng Việt Nam không thể khoanh tay đứng nhìn. Có tới 620,125 thảo luận về những hành động cụ thể giúp cải thiện môi trường.
Trong đó, việc thay thế/tái chế đồ nhựa đang là chủ đề hot nhất trên mạng xã hội (67.5% thảo luận). Những sản phẩm nhựa được quan tâm thay thế nhất hiện nay là túi ni lông dùng cho việc mua sắm hằng ngày (63,977 thảo luận) và dụng cụ đựng thực phẩm đồ uống: ly cốc nhựa, ống hút…(257,706 thảo luận).
Top các vật liệu thay thế đồ nhựa được thảo luận nhiều nhất có thể kể tới giấy, vải, cói (thay thế túi ni lông khi mua sắm, chậu đựng cây, bao bì sản phẩm…), inox, thủy tinh (bình nước cá nhân thay cho ly nhựa), tre, cói, cỏ, bã mía, bột gạo (thay thế đồ nhựa đựng thực phẩm dùng một lần như ống hút, hộp xốp…). Các thảo luận về hạn chế dùng sản phẩm nhựa thu hút nhiều tương tác. Ngoài ra cũng có ý kiến cắt giảm hoàn toàn những đồ nhựa dư thừa (ống hút, ly nhựa…).
Nổi bật lên trong các bài post bảo vệ môi trường là việc lên án hoạt động thả bóng bay, đèn hoa đăng…mùa lễ hội (58.6%), thương hiệu F&B lớn làm marketing xanh “nửa vời”: sử dụng ly nhựa khi khách uống tại cửa hàng, thùng phân loại rác “có như không” (23.3%), các nhà máy, làng nghề xả thải ra môi trường (18.1%).
Nhiều bình luận cho rằng so với rác sinh hoạt của người dân, rác và chất thải từ hoạt động công nghiệp và dịch vụ còn là vấn đề nghiêm trọng. Và các thương hiệu, tổ chức cố ý làm hại môi trường phải chịu sự lên án, tẩy chay từ khách hàng.
Việc phân loại rác tại nguồn được người tiêu dùng rất quan tâm. Có rất nhiều bài viết kêu gọi phân loại rác sinh hoạt (68.3%). Tuy nhiên do quy trình phân loại rác chưa đồng bộ tại địa phương, một bộ phận người dùng tỏ ra tiêu cực vì cho rằng dù phân loại thì rác cũng sẽ hòa lẫn vào nhau khi ra bãi tập kết (15.6%). Mô hình phân loại rác thải chi tiết tại Nhật Bản cũng đang được tham khảo nhiều vì có tính ứng dụng cao (14.3%).
Như vậy người tiêu dùng hành động trước hết để giảm lượng rác thải kỷ lục tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động chạy bộ từ thiện, cài ứng dụng điện thoại để trồng cây gây rừng (Ecosia, Forest, Ecoalarm…) là những biện pháp mới mẻ đang được kêu gọi tham gia nhiều (36,622 thảo luận). Những thử thách dọn rác được nhóm học sinh phổ thông và sinh viên lựa chọn để thể hiện nhiệt huyết với việc cải tạo môi trường (19,844 thảo luận).
Thử thách Green Marketing cho thương hiệu thời ô nhiễm
Các vấn đề môi trường bùng nổ liên tiếp làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt và sức khỏe con người tại Việt Nam. Đối tượng khách hàng quan tâm tới các giá trị bền vững không ngừng được nhân rộng. Chính vì thế lối đi Marketing Xanh (Green Marketing) đã không còn là sự lựa chọn mà là điều bắt buộc đối với thương hiệu.
Thông qua việc lắng nghe các thảo luận mạng xã hội, YouNet Media nhận thấy rằng triển khai Marketing Xanh không còn đơn giản là chiến dịch sáng tạo. Chính doanh nghiệp phải kiến tạo nên một lộ trình “thay đổi”, xanh và bền vững hơn từ sản phẩm, dịch vụ, thông điệp và hoạt động CSR (Corporate Social Responsibility).
Lộ trình đó cụ thể như sau:
Xây dựng sản phẩm, quy trình phục vụ thân thiện với môi trường: Việc thay thế thành phần nhựa, vỏ bao sản phẩm nhựa và các nguyên liệu thiên nhiên sẽ chiếm được cảm tình của bộ phận lớn khách hàng yêu thiên nhiên, yêu môi trường.
Đối với các ngành F&B, thực phẩm chế biến nhanh, việc bỏ bớt nhựa, hóa chất ra khỏi sản phẩm sẽ giúp hạn chế khủng hoảng thương hiệu vì gây ô nhiễm môi trường. Đối với hầu hết các sản phẩm, việc hạn chế khói bụi và khí thải từ sản xuất sẽ nhận được sự ủng hộ lớn của khách hàng trong tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Ví dụ: Tập đoàn TH thay sản phẩm thìa nhựa kèm hộp sữa chua bằng thìa làm từ nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy, thay thế ống hút nhựa bằng ống hút làm từ ngô, sắn, mía.
(Nguồn ảnh: Fanpage TH True Milk)
Tạo ra giá trị cho môi trường và sức khỏe con người: Trong việc cải tiến sản phẩm và dịch vụ, các doanh nghiệp có thể cân nhắc việc đem lại các giá trị “xanh”. Việc thêm giá trị xanh vào sản phẩm và dịch vụ tạo nên lợi thế cạnh tranh độc đáo. Các khách hàng yêu môi trường rất khó để từ chối mua hàng từ thương hiệu quan tâm tới các giá trị nhân văn và bền vững.
Ví dụ: Vinmart thêm dịch vụ thu gom pin đã sử dụng tại các cửa hàng, khuyến khích khách hàng thu gom rác thải chì một cách rất thiết thực. Ngoài ra, thương hiệu còn tặng 1000 đồng cho khách hàng không lấy túi nilon khi mua hàng.
(Nguồn ảnh: Fanpage Vinmart)
Dẫn đầu xu hướng “sống xanh”: Những thông tin cập nhật về giải pháp chống ô nhiễm và nâng cao sức khỏe đang nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng trên Mạng xã hội. Đây là những nội dung hiệu quả để tăng tương tác với khách hàng trên mạng xã hội. Doanh nghiệp nào trở thành thought leader về đề tài “sống xanh” sẽ nhận được phản hồi tích cực và gia tăng nhận diện thương hiệu một cách rõ rệt.
Ví dụ: Khi tin đồn về dịch bệnh Whitmore hoành hành, fanpage của Lifebuoy đã đem tới những giải đáp tận tình từ bác sĩ về căn bệnh và cách phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, trên Fanpage thường xuyên cập nhật những bí quyết sống xanh và chống ô nhiễm cho khách hàng.
(Nguồn ảnh: Fanpage Lifebuoy Vietnam)
Song hành khắc phục thảm họa: Trong thời điểm thảm họa môi trường xảy ra liên tiếp, các khách hàng trên Social Media luôn có nhu cầu quyên góp hay hành động để khắc phục tình hình. Những doanh nghiệp tích cực tổ chức hoạt động CSR để đồng hành với thảm họa sẽ nhận được sự hưởng ứng lớn. Từ đó làm tăng nhận diện thương hiệu và chỉ số cảm xúc của khách hàng trên Social Media và cả ngoài đời thực.
Ví dụ: Năm 2019 sự kiện chạy bộ Uprace tung ra thể lệ với mỗi 1km chạy được, người tham dự cuộc thi đã ủng hộ 1000 đồng để trồng cây xanh. Thương hiệu The Coffee House kêu gọi khách hàng cùng gia nhập team chạy bộ mang tên thương hiệu của mình và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
(Nguồn ảnh: FanpageThe Coffe House)
Thông điệp Marketing vì môi trường: Sau tất cả những nỗ lực kể trên, các doanh nghiệp đã xây dựng thành công hình ảnh eco-friendly. Thay vì những thông điệp cũ như “khuyến mãi lớn”, “hàng đầu về dịch vụ”, các doanh nghiệp đã có thể tự tin đưa ra những chiến dịch và hashtag thân thiện với môi trường mà không lo bị lên án “làm marketing nửa vời”.
Ví dụ: Hãng bảo hiểm Prudential tung ra chiến dịch “Cái giá thật sự của nhựa” bao gồm bộ ảnh sáng tạo cùng tên và sự kiện offline “Máy định giá thật sự của nhựa”. Giúp người tiêu dùng Việt Nam khắc sâu kiến thức mỗi chai, lọ nhựa được sử dụng đổi lại 500 năm ô nhiễm đại dương, hay 2.000 hạt vi nhựa đi vào cơ thể…
(Nguồn ảnh: Fanpage No Waste Vietnam)
(Nguồn ảnh: Fanpage Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam)
Tạm kết
Ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai bùng nổ trên Social Media đã tạo nên sự bức xúc và hoang mang chưa từng có. Người tiêu dùng Việt Nam trở nên nhạy cảm trước các yếu tố gây ô nhiễm và có phản ứng mạnh mẽ với các doanh nghiệp, tổ chức gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên những thách thức của thời đại ô nhiễm cũng chính là cơ hội. Những doanh nghiệp chủ động xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững, song hành với người tiêu dùng trong “thử thách thay đổi sẽ có được lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Bài viết được thực hiện theo phương pháp Topic Understanding, phân tích bởi đội ngũ chuyên gia của YouNet Media và sử dụng số liệu từ SocialHeat – Hệ thống Social Listening & Market Intelligence duy nhất tại Việt Nam có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực, một cách tự động và có phạm vi thu thập bao phủ hơn 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội.