3.520 lượt xem
Nếu 2007, Truyền Hình Thực Tế (THTT) chỉ mới bắt đầu nhen nhóm ở Việt Nam, thì với tốc độ phát triển như vũ bão: 2014 đánh dấu sự lên ngôi và bùng nổ của các show THTT trên khắp các kênh truyền hình. Được đánh giá là mảnh đất màu mỡ để khai thác, các format THTT thay nhau ra đời với kịch bản ngày một được đầu tư mạnh mẽ hơn để tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh & thu hút người xem. Tuy nhiên, chính sự bùng nổ về số lượng lại khiến khán giả ngày càng khắt khe và dè chừng, và không phải chương trình THTT nào cũng thành công và nhận được sự ủng hộ.
Bài viết đánh giá top 10 show THTT của năm 2014 dưới góc độ Social Heat, dựa trên những cảm nhận & bình luận của cộng đồng mạng để đưa ra danh sách các chương trình tạo dựng được tiếng vang tốt nhất trong năm vừa qua. Số liệu do YouNet Media cung cấp.
Trong tổng số lượng hơn 30 show THTT được trình chiếu trong năm 2014, dưới đây là 10 cái tên được quan tâm nhất dựa trên tổng lượng thảo luận và quan tâm của cộng đồng ở các kênh mạng xã hội và của báo chí , thứ tự được xếp theo lượng buzz tăng dần:
Biểu đồ thể hiện tổng lượng Buzz của các chương trình THTT trong năm 2014
ĐVT: 1,000 mentions
Trong bảng tổng sắp này, dễ dàng nhận thấy sự xuống hạng của các chương trình THTT từng làm gió nhiều năm về trước như VietNam Idol hoặc VN Next Top Model, thay vào đó, những chương trình tân binh lại thu hút được sự chú ý mạnh mẽ của khán giả: trong đó phải kể đến sự xuất hiện đặc biệt của “The X Factor” và “Ơn Giời Cậu Đây Rồi”. Phải nhắc đến một chi tiết nữa là năm 2014 không có sự tham gia của The Voice, nếu không chúng ta sẽ nhìn thấy rõ sức cạnh tranh của chương trình này sau nhiều mùa liên tiếp gây bão truyền thông.
“Thử Thách Cùng Bước Nhảy” là một cái tên gây bất ngờ khi chiếm vị trí thứ ba. Đầu tiên, đây là chương trình chỉ chiếu ở đài truyền hình địa phương (HTV), trước phát sóng TTCBN không được chú ý nhiều vì format chương trình không mới, không có nhiều tên tuổi là ngôi sao lớn tham gia và thêm nữa, TTCBN cũng không sở hữu nhiều tình tiết “drama” gây cấn hấp dẫn người xem. Vậy nhưng nhìn vào tổng lượng số lượng thảo luận và tình cảm đặc biệt của khán giả dành cho các thí sinh (là những vũ công) tham gia chương trình, có thể thấy sức hút đặc biệt của TTCBN đối với khán giả.
Thử Thách Cùng Bước Nhảy mang lại những tiết mục sinh động
Một sự bất ngờ nữa chính là “Điều Ước Thứ Bảy”, không hào nhoáng, hoành tráng như các tên tuổi khác, DUTB ra mắt lặng lẽ trên truyền hình và từng bước chinh phục người xem từng tập. Có thể nói, chính nội dung đầy tính nhân văn của chương trình đã thu hút khán giả một cách vô cùng tự nhiên và mang lại thành công ngoài mong đợi. Sự phản ứng dữ dội với scandal vừa qua của ĐUTB (về chuyện tình lấy nước mắt người xem của Thanh – Đào) cho thấy sự quan tâm vô cùng đặc biệt của truyền thông và khán giả đối với chương trình.
Điều Ước Thứ Bảy ghi dấu ấn bằng nội dung cảm xúc, nhân văn
Ngoài ra, các tên tuổi khác trong Top 10 đều là những cái tên dễ đoán: là những chương trình được kỳ vọng cao từ trước khi phát sóng và tràn ngập trên các kênh truyền thông trong suốt thời điểm trước, trong và sau khi diễn ra.
Phân tích sâu hơn vào lượng thảo luận & được nhắc đến cụ thể ở các kênh thông tin, chúng ta có số liệu dưới đây:
Biểu đồ thể hiện số lượng & tỷ lệ thảo luận của các chương trình ở các kênh
ĐVT: 1,000 mentions
Ở mạng xã hội Facebook, OGCDR chiếm vị trí quán quân không mang lại nhiều ngạc nhiên: các giám khảo và khách mời tham gia chương trình đều là những ngôi sao có lượng người theo dõi “khủng” (Hoài Linh, Trấn Thành, Hari Won…), và chỉ với 12 tập phát sóng, số lượng tương tác của khán giả trên Fanpage với các ngôi sao cũng đủ mang lại số buzz cực lớn cho chương trình.
Riêng ở mảng tin tức và báo chí (News), Nhân Tố Bí Ẩn là cái tên nổi bật và được nhắc đến nhiều nhất. Nguyên nhân ngoài BGK là những ngôi sao ca sĩ thường xuất hiện trên mặt báo, chương trình còn sở hữu khá nhiều yếu tố, tình tiết “drama”, và đây luôn là nội dung được báo chí ưa thích khai thác (scandal hậu trường, gia cảnh thí sinh…), số lượng buzz từ các trang tin chiếm đến 47% tổng lượng buzz của chương trình chứng minh sự quan tâm của khán giả không thực sự cao nhưng Nhân Tố Bí Ẩn vẫn giành vị trí số 1 về lượng thảo luận.
Ngược lại, forum chính là kênh thể hiện độ sâu tương tác tốt nhất của khán giả dành cho nội dung chương trình, và đầu bảng là “Cuộc Đua Kỳ Thú”. Các tập với nội dung hấp dẫn, gay cấn của CDKT đã mang lại cho người xem những cảm nhận chân thật. Các bình luận đều liên quan đến cách giải quyết tình huống của thí sinh và độ khó của thử thách, do đó đây là chương trình có sự gắn kết với khán giả tốt nhất.
Bình luận của khán giả về nội dung chương trình CĐKT
Ở kênh Video Youtube, các chương trình về âm nhạc đều dẫn đầu về bảng chỉ số này cho thấy rõ xu hướng chuyển từ tivi lên video trực tuyến của người xem. Nhất là các tập có nội dung đặc biệt được nhắc lại nhiều trên báo chí: các tiết mục lạ, thí sinh được yêu thích hoặc liên quan scandal… Điều này trong tương lai sẽ ảnh hưởng nhiều đến đánh giá về mức độ thành công của một chương trình truyền hình khi mà rating (tỷ số người xem đài trực tiếp) không còn là yếu tố tiên quyết như trước.
Ở các số liệu liên quan đến cảm xúc từ các bình luận của cộng đồng lại cung cấp cho chúng ta một góc nhìn rất khác về Top 10 THTT.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ cảm xúc của cộng đồng dành cho các chương trình
ĐVT: %
Mặc dù dẫn đầu bảng xếp hạng về số lượng thảo luận, Nhân Tố Bí Ẩn lại là chương trình sở hữu nhiều bình luận mang tính tiêu cực nhất từ người xem (chiếm đến 20% tổng số buzz).
Cụ thể, chương trình bị đánh giá là thiếu điểm nhấn, nhiều chiêu trò: trong khi số lượng thí sinh có tài năng thực sự về ca hát chưa làm thỏa mãn khán giả, thì các scandal và những câu chuyện hậu trường được dựng lên một cách sơ sài, gượng ép và được nhắc đi nhắc lại trên các kênh truyền thông đã khiến khán giả ngán ngẩm.
Bình luận tiêu cực của netizen về X Factor
VietNam’s Got Talent cũng là một chương trình gây thất vọng năm nay. Với tổng lượng bình luận tiêu cực lên đến 16%, người xem cho rằng chương trình này ngày càng đi vào lối mòn. Thay vì cho khán giả thưởng thức những tài năng thật sự, những tiết mục không được đầu tư và chất lượng kém lại thay nhau lên sóng khiến chương trình trở thành một show tạp kỹ không hơn không kém, mà mới nhất là sự việc uống nhầm Axit của thí sinh dự thi càng làm khán giả có thái độ tiêu cực hơn với chương trình.
Ở chiều ngược lại, dù chỉ kéo dài trong 12 tập Ơn Giời Cậu Đây Rồi về nhất trong số các chương trình nhận được nhiều đánh giá tích cực nhất (43%). Rõ ràng với lợi thế sở hữu bộ sậu ban giám khảo là những danh hài được yêu mến rộng rãi, format mới lạ, cùng với dàn khách mời là những nhân vật nổi tiếng, chương trình thuần tính giải trí, mang lại tiếng cười, không kịch bản, hoàn cảnh hay nước mắt… OGCDR đầy đủ yếu tố để thu hút và giữ chân khán giả giữa thời điểm bùng nổ các show THTT cuối năm 2014.
Bình luận tích cực của netizen về Ơn Giời cậu đây rồi
Các chương trình khác cũng nhận được lượng đánh giá tích cực cao như: Điều Ước Thứ Bảy (42%), Thử Thách Cùng Bước Nhảy (38%), hay Cuộc Đua Kỳ Thú (32%) đều là những chương trình được đầu tư nghiêm túc về nội dung, ít chiêu trò, mang lại những giá trị tinh thần thực thụ cho người xem.
Như vậy, để đánh giá đúng và chính xác mức độ thành công của một chương trình truyền hình, cần có một dữ liệu đầy đủ và chi tiết từ nhiều yếu tố. Điều này lại càng trở nên quan trọng hơn khi THTT trở thành sân chơi mới, nơi các thương hiệu nhảy vào cuộc đua truyền thông.
Tuy vậy, chủ yếu các thương hiệu đầu tư vào các chương trình THTT với mục đích Branding – phô trương sức mạnh thương hiệu hơn nhiều hơn là quảng bá sản phẩm. Các chương trình lớn với sự góp mặt của những ông lớn như Unilever (The Voice, Masterchef…) hoặc P&G (VietNam Idol, VietNam’s Got Talent…) đã trở thành tiền lệ và khó thay thế. Tuy nhiên số liệu cho thấy sự tương tác, ghi nhớ của người xem về thương hiệu thông qua THTT là không thực sự rõ ràng. Cụ thể với OGCDR, mặc dù là chương trình thành công và được yêu thích, thế nhưng cái tên nhà tài trợ là NutiFood thì lại bị vùi lấp giữa hàng ngàn thông tin về chương trình.
Các hoạt động quảng bá của NutiFood trong OGCDR không có hiệu quả cao
Một số trường hợp đặc biệt mang lại hiệu quả quảng bá nhiều cho các thương hiệu là Cuộc Đua Kỳ Thú (Sting) hoặc Thử Thách Cùng Bước Nhảy (Yomost) lại phụ thuộc tất yếu vào sự tương quan giữa nội dung chương trình và tính cách thương hiệu, điều mà rất ít những show TTHT hiện nay có thể mang lại.
Sting rất biết cách làm khán giả nhớ đến mình trong suốt chương trình CĐKT
KẾT
Năm 2015 hứa hẹn nhiều sự thay đổi và lột xác của các show THTT. Với sự đổ bộ của các format truyền hình mới (như OGCDR), cùng những cái tên cũ nhưng vẫn đầy sức hút (The Voice) chắc chắn cuộc chiến giành giật người xem giữa các show THTT trong thời gian tới sẽ còn đem lại cho chúng ta những con số thú vị.
Là một kênh truyền thông thời thượng, việc phân tích, đánh giá, đo lường chính xác hiệu quả của THTT hẳn nhiên sẽ đem lại cho các thương hiệu nhiều lợi thế khi chọn lọc, cân nhắc đầu tư vào một chương trình.
Dữ liệu được thu thập và phân tích thông qua hệ thống SocialHeat của YouNet Media, một trong những agency hàng đầu Việt Nam về theo dõi – quản trị và phân tích thương hiệu, thị trường và người dùng trên môi trường Internet. Hệ thống Social Listening & Market Intelligence của YouNet Media là nền tảng duy nhất tại Việt Nam có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực (real-time), tự động (automatic sentiment) và bao phủ trên 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội (800 nghìn fanpages & nhóm và 20 triệu người dùng Facebook Việt Nam, Youtube,…), diễn đàn, cộng đồng, tin tức trực tuyến…
Để có bản báo cáo về phản hồi của người dùng Internet Việt Nam đối với các show THTT trong năm 2014 một cách chi tiết, đầy đủ và cụ thể hơn, xin vui lòng liên hệ email: info@younetmedia.com.