2.740 lượt xem
Khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7, thời tiết nắng nóng bao phủ khắp Social Media với hàng loạt thảo luận của người dùng về chủ đề “nóng” và “làm thế nào để hết nóng?”. Đây chính là thời điểm vàng cho các thương hiệu ngành máy lạnh nếu nắm bắt và tận dụng tốt insight người dùng trong quá trình tìm hiểu, cân nhắc, quyết định mua máy lạnh.
Cùng nhìn lại thảo luận của người dùng trên MXH về ngành hàng máy lạnh trong dịp nắng nóng 2018 qua phân tích dưới đây của YouNet Media
Nắng đã có nón, mưa đã có dù – “Chống nóng” thì gọi tên thương hiệu máy lạnh nào?
*Số liệu được tổng hợp từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2018 theo Báo cáo nghiên cứu ngành hàng Máy lạnh của YouNet Media – Agency về Social Insight & Solution hàng đầu tại Việt Nam.
Bảng xếp hạng top 10 thương hiệu máy lạnh điểm mặt nhiều thương hiệu đến từ Nhật Bản (chiếm 50%). Điều này cho thấy mặt hàng điện tử từ Nhật vẫn được người dùng Việt Nam ưa chuộng với niềm tin về sự uy tín và chất lượng.
Bên cạnh những thảo luận tự nhiên xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu sản phẩm trước khi đưa ra các quyết định mua hàng, lượng thảo luận còn đến từ các hoạt động do thương hiệu tạo ra. Top 3 của BXH là Aqua, Panasonic và LG, các thương hiệu đều thực hiện các hoạt động tăng tương tác như tổ chức các minigame trên fanpage và sử dụng influencer để tạo ảnh hưởng cũng như tăng thảo luận về thương hiệu, sản phẩm.
Hành trình “chống nóng” của người dùng MXH
Diễn biến thảo luận
So với 2 tháng đầu năm, bắt đầu từ tháng 3, thị trường máy lạnh đã bắt đầu sôi nổi hơn, đỉnh điểm là tháng 5,6 khi nhiệt độ cao khiến người dùng chọn giải pháp mua máy lạnh ngay để có thể “chống chọi qua mùa nắng nóng này”.
Mentions được tạo ra trong 2 tháng cao điểm (1/5/2018 – 30/6/2018) chiếm hơn 60% tổng thảo luận về ngành hàng máy lạnh trên social media năm mùa nắng nóng năm 2018.
Đối tượng thảo luận
Theo thống kê nhân khẩu học từ SocialHeat, người tham gia thảo luận về chủ đề máy lạnh có 59.6% là nam giới. Với đặc thù sản phẩm thiên về công nghệ và dựa trên các thông số kĩ thuật cho nên nam giới sẽ là đối tượng thảo luận chính trong các chủ đề về máy lạnh trên Social Media.
Độ tuổi thảo luận về máy lạnh trên Social Media có đến 73.4% thuộc nhóm 25-34. Đây cũng là nhóm bắt đầu có nhiều mối quan tâm và có khả năng tài chính trong việc mua sắm các vật dụng và thiết bị dùng cho gia đình.
Nguồn thảo luận chính dành cho những người dùng cần “chống nóng”
Facebook vẫn là kênh thảo luận sôi nổi nhất, chiếm 80.1% tổng thảo luận trên Social Media. Thảo luận phần lớn đến từ các hội nhóm Facebook (47.3%) công nghệ như Group Tinh tế, Liên chi hội cơ điện lạnh… với thành viên chủ yếu là nam, có kiến thức chuyên môn hoặc có nhiều hiểu biết và thông tin về các thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, tại các diễn đàn về công nghệ như Otofun.net, Vozforums.com… người dùng cũng tạo nhiều topics nhờ tư vấn chọn máy lạnh, vệ sinh, bảo trì và sửa chữa máy… Điều này mang lại nhiều góc nhìn hữu ích về tâm lý người dùng máy lạnh trong quá trình trước và trong khi sử dụng. Các insights này sẽ được phân tích chi tiết trong Báo cáo nghiên cứu ngành hàng Máy lạnh của YouNet Media (Liên hệ để được tư vấn chi tiết)
Ở các kênh E-commerce như Tiki, Lazada và E-retailer như Điện máy Xanh, Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn…là lượng thảo luận của người dùng về vấn đề hỏi đáp, xin tư vấn về sản phẩm.
Đặc biệt tại các trang E-retailer, phần lớn thảo luận của người dùng là phản hồi sau sử dụng về sản phẩm, dịch vụ. Đây cũng chính là nguồn tham khảo bổ ích cho những người dùng khác đang có ý định và cân nhắc các sản phẩm máy lạnh cùng phân khúc.
Top những chủ đề thảo luận không thể bỏ qua từ cộng đồng “chống nóng”
Máy lạnh là mặt hàng có giá trị cao, chi phí không chỉ nằm ở giá mua sản phẩm mà còn là phí phải trả hàng tháng và các phí phát sinh khác. Vì vậy dù ban đầu xuất phát từ ý định “mua để tránh nóng” những người dùng tỏ ra không hề hời hợt trong việc lựa chọn.
Trong giai đoạn chọn mua sản phẩm, thảo luận từ mạng xã hội cho thấy người dùng vẫn bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến những tính năng phù hợp với nhu cầu của mình.
Người dùng MXH tham khảo nhiều nguồn và tìm hiểu kĩ thông tin về các thông số kĩ thuật của sản phẩm ví dụ như yếu tố lựa chọn công suất lạnh phù hợp với diện tích phòng hay lựa chọn sản phẩm tiết kiệm điện năng/inverter.
Nếu trong nhà có người lớn tuổi và trẻ nhỏ thì các tính năng tốt cho sức khỏe (kháng khuẩn, chế độ vận hành êm và tự điều chỉnh nhiệt độ khi ngủ,…) càng được chú trọng.
Các thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật như Panasonic, Daikin, Toshiba vẫn được người dùng gợi ý nhau nhiều nhất trên các chủ đề thảo luận trên các group, diễn đàn MXH với 1,396 thảo luận.
Các thảo luận cho thấy họ muốn mua hàng nội địa Nhật và sẵn sàng đầu tư để mua hàng mới (brandnew) chứ “không muốn dùng hàng Nhật bãi (secondhand)”.
Xuất phát từ đặc thù đặc thù sản phẩm là đòi hỏi kỹ thuật lắp đặt cùng với các vấn đề liên quan đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Do đó các dịch vụ tốt sẽ mang lại sự an tâm cả trong khi mua hàng và trong quá trình sử dụng phần dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng.
Trả góp sẽ là một giải pháp tốt nhất cho nhiều người dùng khi họ muốn mua sản phẩm bền, chất lượng cao, đến từ thương hiệu nổi tiếng, phù hợp với nhiều yêu cầu kĩ thuật nhưng chưa đủ tài chính để mua ngay.
Bên cạnh đó, giá cả và khuyến mãi không còn là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc mua một sản phẩm khi những lợi ích và đầu tư về lâu dài được chú trọng hơn cả như mặt hàng máy lạnh.
From Data to Action
Từ báo cáo nghiên cứu lắng nghe mạng xã hội của YouNet Media đối với ngành hàng máy lạnh giai đoạn tháng 3 đến tháng 7 năm 2018 chỉ ra một số cơ hội của các thương hiệu:
#1 Facebook group và Forum
Thông tin trên Facebook group và Forum tác động đến giai đoạn đầu trong quá trình cân nhắc mua máy lạnh của người dùng MXH. Tham gia trực tiếp các hội nhóm và thường xuyên tương tác là cách để các thương hiệu máy lạnh tiếp cận và cung cấp nhiều thông tin cho khách hàng.
Tuy nhiên, các thương hiệu khi chia sẻ nội dung và review trong group/forum cần dùng ngôn từ tự nhiên, kể về trải nghiệm hoặc gợi chủ đề hỏi đáp hơn là seeding và spam lộ liễu.
#2 E-commerce/E-retailer
Các thương hiệu nên thường xuyên lắng nghe ý kiến, thảo luận của khách hàng trên các trang E-commerce/E-retailer. Bằng việc sử dụng công cụ Social Listening các brands có thể cải thiện chất lượng dịch vụ và ngăn ngừa những tiêu cực “ngay từ trong trứng nước”, đây cũng sẽ là một lợi thế lớn cho các thương hiệu ngành hàng máy lạnh.
#Fanpage
Thời tiết tác động đến các nhu cầu phát sinh là lúc các hoạt động trên fanpage cần nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng vào các tuyến nội dung. Một bài đăng hài hước so sánh “tổng số tiền bỏ ra suốt một tháng để đi cà phê tránh nóng của dân văn phòng và số tiền để tậu máy lạnh” là cách thể hiện sự nhạy bén của thương hiệu.
Tuy xuất phát từ nhu cầu về “mùa nóng” nhưng người dùng MXH vẫn rất cân nhắc và lựa chọn kĩ lưỡng trước khi ra quyết định. Vì vậy, thương hiệu cũng đừng quên chú trọng tăng cường các tuyến nội dung về tính năng hiện đại, nổi bật mang lợi ích thiết thực cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.