1.223 lượt xem
Mùa Tết 2025 chứng kiến sự hiện diện rõ nét hơn của xu hướng ứng dụng công nghệ AI/AR/VR vào các hoạt động truyền thông. Theo thống kê từ báo cáo Winning Tết 2026, trong tổng số 132 chiến dịch Tết 2025, có tới 15 chiến dịch triển khai hoạt động có ứng dụng công nghệ, đóng góp đến 21.24% tổng lượng thảo luận của toàn thị trường Chiến dịch Tết. Vậy, các chiến dịch kể trên đã ứng dụng công nghệ AI như thế nào? Marketers cần lưu ý gì nếu muốn tận dụng xu hướng này cho chiến dịch Tết 2026? Tải miễn phí báo cáo tại đây.
Disclaimer: Trong khuôn khổ bài viết này, các khái niệm về công nghệ AI (Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo), AR (Augmented Reality – Thực tế tăng cường) và VR (Virtual Reality – Thực tế ảo) được hiểu theo định nghĩa chung trong ngành truyền thông và công nghệ, được YouNet Media tổng hợp từ bài viết BrandsVietnam. Các số liệu, phân tích và xu hướng trong bài viết được trích từ dữ liệu báo cáo Winning Tết 2026, thu thập công khai qua nền tảng SocialHeat. Phạm vi thống kê bao gồm 132 chiến dịch Tết 2025 có yếu tố truyền thông mùa Tết, với dữ liệu đo lường trong giai đoạn 01.10.2024 – 14.02.2025.
1. Công nghệ AI/AR/VR giúp Marketers “làm mới” cách kể chuyện mùa Tết 2025
Việc ứng dụng công nghệ AI/AR/VR vào các hoạt động truyền thông đã bắt đầu xuất hiện từ mùa Tết 2024 và được YouNet Media ghi nhận trong báo cáo Winning Tết 2025. Bước sang mùa Tết 2025, xu hướng này tiếp tục hiện diện rõ nét hơn, trở thành một trong những cách thức để thương hiệu đổi mới các hoạt động truyền thông, tương tác với người dùng. Không chỉ dừng lại ở các phương thức truyền thống, việc tích hợp công nghệ đã mở ra cơ hội để các chiến dịch Tết mang đến trải nghiệm đa dạng, cá nhân hóa và dễ khởi gợi cảm xúc thôi thúc muốn tham gia cho người dùng mạng xã hội hơn.
Theo thống kê từ báo cáo Winning Tết 2026, trong tổng số 132 chiến dịch Tết 2025, có 15 chiến dịch đã tích hợp công nghệ AI, AR hoặc VR vào hoạt động truyền thông, chiếm đến 21.24% tổng lượng thảo luận của toàn thị trường chiến dịch Tết 2025. Điều này cho thấy sự quan tâm của các thương hiệu trong việc tận dụng công nghệ số để mang đến cảm giác mới mẻ cho người dùng MXH và thúc đẩy họ chủ động ghi nhớ thông điệp truyền thông qua các hoạt động tăng tương tác trong khuôn khổ chiến dịch Tết.
Vậy các thương hiệu đã ứng dụng công nghệ AI/AR/VR vào hoạt động truyền thông cho chiến dịch Tết 2025 như thế nào? Đâu là chiến dịch tiên phong sở hữu thành tích nổi bật nhất?
2. Vẫn là Minigame, nhưng đã trở nên hấp dẫn hơn khi có thêm yếu tố công nghệ
Quan sát từ 15 chiến dịch này, đa phần hoạt động tăng tương tác đều được thương hiệu ưu tiên triển khai dưới dạng Minigame – một hình thức vốn quen thuộc nhưng đã được “thay áo” và trở nên hấp dẫn người dùng MXH nhờ áp dụng thêm yếu tố công nghệ như: tạo ảnh chúc Tết, gieo quẻ đầu năm hay thiết kế sticker Tết,… Sự thay đổi này không chỉ giúp các hoạt động thu hút nhiều tương tác hơn mà còn mang lại cho người dùng cảm giác gần gũi hơn với thương hiệu, thông qua những trải nghiệm mang màu sắc, tính cách của riêng cá nhân mình.
Từ dữ liệu tổng thảo luận (Buzz Volume From Qualified Users – BFQU) của 15 Chiến dịch Tết kể trên, YouNet Media đã phân loại, thống kê lượng thảo luận đến từ các hoạt động có ứng dụng công nghệ AI/AR/VR của các chiến dịch. Kết quả, TOP 5 Chiến dịch dẫn đầu về lượng thảo luận (BFQU) tạo ra từ các hoạt động AI/AR/VR lần lượt gọi tên:
#1 Mirinda – chiến dịch “Vui Tụ Tết, Kết Tình Thân” với 6.1K lượt thảo luận;
#2 Pepsi – chiến dịch “Mang Tết Về Nhà, Làm Con Ba Mẹ” với 5.8K lượt thảo luận;
#3 Heineken – chiến dịch “Mở Kết Nối Thật – Tết Bật Heineken” với 5.5K lượt thảo luận;
#4 ZaloPay – chiến dịch “Tết Nguyên Nhà” với 4.8K lượt thảo luận;
#5 Budweiser – chiến dịch “Vận Đỏ Chắc Tay, Năm Đỏ Bất Tận”với 1.6K lượt thảo luận.
Trong đó, Mirinda và Pepsi là hai thương hiệu sở hữu chiến dịch nổi bật nhất, khi có lượng thảo luận từ các hoạt động ứng dụng công nghệ AI/AR/VR chiếm tỷ trọng cao trên tổng thảo luận của chiến dịch.
Với chiến dịch “Vui Tụ Tết, Kết Tình Thân”, Mirinda đã kết hợp cùng nam ca sĩ Quang Hùng MasterD để tổ chức minigame “Mirinda Vui Tụ Tết Filter”, kêu gọi người dùng sử dụng AR Filter trên nền tảng TikTok để chụp ảnh cùng gia đình, bạn bè và sản phẩm Mirinda. Nhờ tính giải trí cao, filter được tuỳ chọn và sự lan tỏa tốt từ Quang Hùng MasterD, hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dùng MXH, tạo ra 6.1K thảo luận, chiếm đến 23.96% tổng lượng thảo luận của chiến dịch.
Người dùng hưởng ứng minigame “Mirinda Vui Tụ Tết Filter” của Mirinda
Tương tự, chiến dịch “Mang Tết Về Nhà, Làm Con Ba Mẹ” của Pepsi cũng để lại ấn tượng khi kết hợp với ZaloAI triển khai minigame “Mang Tết Về Nhà – Làm Con Ba Mẹ”, cho phép người dùng tạo ảnh AI từ ảnh thật của chính mình, sau đó thiết kế thành chiếc áo mang thông điệp Tết đầy yêu thương như: “Tết này về làm con ba má”, “Mẹ ơi Tết của con là mẹ”, “Tết này chỉ cần ông tui”,…. Bên cạnh đó, Pepsi còn tổ chức các “Trạm In Áo Mang Tết Về Nhà” tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, giúp hiện thực hóa những chiếc áo được người dùng thiết kế. Hoạt động được lan tỏa bởi nhiều KOLs như Trúc Nhân, Isaac, Quân AP,.. cùng sự tham gia, chia sẻ của hàng nghìn người dùng trên mạng xã hội. Kết quả, hoạt động thu hút hơn 5.8K thảo luận, đóng góp hơn 31.1% tổng lượng thảo luận của toàn bộ chiến dịch.
Người dùng tham gia minigame “Mang Tết Về Nhà – Làm Con Ba Mẹ” của Pepsi
Có thể thấy, bằng việc tạo ra trải nghiệm mới mẻ cho người dùng, đề cao tính cá nhân hoá trong các hoạt động ứng dụng công nghệ số gắn liền với thông điệp nhân văn, sẽ mang đến cảm giác hấp dẫn hơn, gắn kết cảm xúc sâu sắc hơn cho người dùng, đặc biệt là trong mùa lễ hội. Từ đó, gia tăng hiệu quả tương tác và sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng.
3.“Công thức” triển khai hiệu quả hoạt động AI/AR/VR trong chiến dịch Tết 2026
Từ những phân tích về TOP 5 chiến dịch Tết có hoạt động ứng dụng công nghệ tạo ra lượng thảo luận sôi nổi nhất, YouNet Media đã đúc kết 04 điểm cần lưu ý khi Marketers muốn triển khai hoạt động tương tự, giúp phát huy hiệu quả tốt hơn trong khuôn khổ chiến dịch Tết:
- Thông điệp: Các hoạt động ứng dụng công nghệ số cần có thông điệp nhất quán, liên kết chặt chẽ với thông điệp chính của chiến dịch (key message), nhằm đảm bảo sự liền mạch trong nhận thức người dùng về chiến dịch, thay vì trở thành một yếu tố “thêm vào” rời rạc.
- Ứng dụng công nghệ: Tùy vào mục tiêu và insight của nhóm đối tượng mà chiến dịch đang hướng đến, thương hiệu có thể lựa chọn loại hoạt động phù hợp để áp dụng yếu tố công nghệ như: công nghệ AI (tạo lời chúc, tạo ảnh, gieo quẻ Tết,…), công nghệ AR (tạo filter, quay clip tương tác với filter,…), hoặc công nghệ VR (tạo không gian trải nghiệm ảo).
- Hình thức triển khai: Sau khi đã lựa chọn loại hình hoạt động phù hợp, thương hiệu cần cân nhắc về hình thức triển khai dưới dạng minigame, cuộc thi, thử thách, hay tổ chức sự kiện offline. Việc lựa chọn hình thức triển khai phù hợp với mục tiêu và loại hoạt động sẽ giúp thương hiệu tối ưu hóa cả về chi phí tổ chức và hiệu quả truyền thông.
- Kênh truyền thông: Đóng vai trò then chốt trong việc lan tỏa sức hút của hoạt động, thương hiệu cũng cần xây dựng chiến lược sử dụng kênh truyền thông hiệu quả. Những nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook và TikTok tiếp tục là những không gian chủ lực giúp chiến dịch dễ dàng tiếp cận người dùng trẻ và tạo thành xu hướng. Ngoài ra, thương hiệu cũng có thể kết hợp với Zalo OA, xây dựng microsite riêng (landing page), booking KOLs/Influencers để khuếch đại tầm ảnh hưởng của các hoạt động này.
Như vậy, khi tổ chức hoạt động ứng dụng AI/AR/VR, Marketers nên phối hợp đồng bộ cả 4 yếu tố: thông điệp – công nghệ – hình thức triển khai – kênh truyền thông, tạo tiềm năng cho hoạt động trở thành “chất xúc tác” hiệu quả cho mục tiêu tăng tương tác, tăng trải nghiệm và khẳng định vị thế của chiến dịch Tết thương hiệu trong tâm trí người dùng.
4. Kết luận
Dữ liệu và phân tích từ mùa Tết 2025 cho thấy, các công nghệ AI, AR và VR đang dần trở thành một “làn gió mới” đáng chú ý trong các hoạt động truyền thông, đặc biệt là ở nhóm minigame – một hình thức vốn đã quen thuộc nhưng trở nên sẽ phát huy hiệu quả vượt trội nếu được “làm mới” sáng tạo hơn nhờ ứng dụng thêm yếu tố công nghệ.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ không phải là “chìa khóa thành công” tuyệt đối cho mọi chiến dịch. Công nghệ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được triển khai đúng cách – với một thông điệp rõ ràng, hình thức tổ chức hấp dẫn và chiến lược lan tỏa phù hợp với hành vi người dùng trên các nền tảng mạng xã hội.
Báo cáo Winning Tết 2026 từ YouNet Media cập nhật toàn cảnh thị trường chiến dịch Tết 2025 trên Mạng xã hội với góc nhìn dữ liệu chuyên sâu, từ đó đưa ra các phân tích, gợi ý giúp Marketers sẵn sàng chinh phục thành công trong mùa Tết 2026 đã được ra mắt. Sở hữu báo cáo miễn phí ngay tại đây.