4.264 lượt xem
Trên Social Media năm 2017 đang có những xu hướng chuyển dịch về nhận thức, đặc biệt là trong các lĩnh vực Y tế như Phụ sản, Chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Lớp người dùng mới xuất hiện – những ba mẹ trẻ sành điệu với những quan niệm khác biệt về lựa chọn bệnh viện, dịch vụ y khoa, hứa hẹn sẽ tạo ra hướng tiếp cận mới trong việc marketing ngành Y tế và Phụ sản.
Hãy cùng YouNet Media khám phá danh sách các bệnh viện hot nhất trên mạng xã hội nửa đầu năm 2017 và những điều dư luận và khách hàng quan tâm khi sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện phụ sản.
*Thông tin trong bài viết được trích từ Báo cáo nghiên cứu Phản hồi của người dùng về các bệnh viện phụ sản trên Social media Q1,2 năm 2017. Được thực hiện bởi các chuyên gia phân tích của YouNet Media, agency hàng đầu về Social Media Insight và Solution tại Việt Nam.
Top 10 bệnh viện phụ sản nổi bật nhất trên Social Media nửa đầu năm 2017
Trong quá trình theo dõi ngành phụ sản trong cả nước, YouNet Media đã thống kê và lập ra top 10 bệnh viện có thảo luận nhiều nhất trên Social Media.
Đứng đầu bảng xếp hạng thảo luận là các bệnh viện công lập là Từ Dũ, Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung Ương. Đây là những bệnh viện công đầu ngành do chất lượng chuyên môn tốt và mức giá phải chăng của bệnh viện nhà nước (từ 2.5 triệu đồng cho ca sinh thường). Trên các forum, facebook group có rất nhiều topics xung quanh việc lựa chọn bệnh viện, chia sẻ kinh nghiệm về bệnh viện công. Ngoài ra đây là những bệnh viện có tiếng nói uy tín về các vấn đề y khoa như chữa hiếm muộn, dinh dưỡng trong thai kỳ, hạn chế rủi ro khi sinh cho sản phụ.
Tiếp theo đó là các bệnh viện tư Vinmec, Mekong, Hồng Ngọc, Hạnh Phúc, Hoàn Mỹ Sài Gòn đang là lựa chọn mới của các gia đình có điều kiện khá giả. Các dịch vụ sinh con trọn gói của bệnh viện tư nhân tuy có giá cao từ 20 triệu cho ca sinh thường nhưng được rất nhiều cha mẹ trẻ hưởng ứng. Đây là những nơi đem lại trải nghiệm tốt về khám và theo dõi thai kỳ và cập nhật những phương pháp sinh con mới mẻ hơn cho sản phụ.
Nguồn thảo luận và các nội dung thảo luận về bệnh viện phụ sản trên Social Media
Kênh mạng xã hội được dùng chủ yếu để các mẹ bầu hỏi trao đổi kinh nghiệm khi mang bầu, sinh con và thảo luận về các bệnh viện phụ sản. Những nền tảng thảo luận phổ biến nhất được các mẹ sử dụng là Facebook (90%) và Forum (2.1%).
Tại các trang cộng đồng như eDoctor, Dịch vụ tắm bé Baby Care Việt và các fanpage của bệnh viện, chủ yếu các mẹ bầu hỏi thăm thủ tục, chi phí và các gói sinh con. Việc xây dựng nên những kênh hỏi-đáp trực tuyến như eDoctor rất hữu ích, giúp các sản phụ có thêm nhiều kiến thức về việc sinh con tại bệnh viện và lựa chọn nơi khám chữa bệnh về sản phụ khoa.
Trên fanpage chính thức của các bệnh viện, các gia đình sản phụ có xu hướng check-in và để lại review về chất lượng bệnh viện. Có rất nhiều comment khen ngợi bệnh viện, cảm ơn bác sĩ, nhưng bên cạnh đó cũng có những phản hồi tiêu cực về dịch vụ của bệnh viện, thái độ của nhân viên y tế được nhiều người quan tâm chia sẻ.
Trên các Facebook Group như Hội nuôi con bằng sữa mẹ – Việt Nam, Hội các mẹ mang thai lần đầu,… các thảo luận diễn ra khá sôi động. Những mẹ bầu và mẹ mới sinh chia sẻ với nhau kinh nghiệm sinh con tại các bệnh viện, những vấn đề sức khỏe mẹ và thai nhi và cách lựa chọn bác sĩ, bệnh viện tốt.
Tuy không liệt kê ở đây, nhưng thảo luận tại các trang cá nhân (Facebook user’s wall) của người dùng chiếm tới hơn 80% nội dung trên nền tảng Facebook với hai loại nội dung là check-in tại bệnh viện trong thời gian sinh con và chia sẻ kinh nghiệm khi đẻ con tại bệnh viện. Đặc biệt, những bài viết rất dài, chi tiết về quá trình sinh con “tập 1”, “tập 2”, thậm chí “tập 3” của chị em thường nhận được hàng trăm, hàng ngàn lượt tương tác.
Các trang tin về bệnh viện và chăm sóc sức khỏe mẹ và bé như alobacsi.vn, vicare.vn, sotaychame.com, marrybaby.vn… đóng góp những bài viết chất lượng về mức giá, thủ tục và kinh nghiệm khi sinh con tại từng bệnh viện, cũng như thông tin chữa hiếm muộn nhận được nhiều quan tâm chia sẻ. Đây cũng là nơi tập trung nhiều cẩm nang dành cho sản phụ và bệnh nhân sản phụ khoa.
Là kênh truyền thống nhưng các forum Webtretho, Lamchame, Vozforums… vẫn là nguồn tạo ra nhiều topic quan trọng về các bệnh viện phụ sản. Những topic hỏi kinh nghiệm sinh con tại bệnh viện nào tốt, các bác sĩ khám thai và đỡ đẻ uy tín nhất lên tới vài chục trang, cho thấy nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm và tham khảo lẫn nhau của các mẹ bỉm sữa.
Các đề tài thảo luận chủ đạo về bệnh viện phụ sản
Để hiểu hơn về những mối quan tâm của người dùng Social Media, YouNet Media đã tổng hợp các chủ đề “nóng” trong thảo luận về bệnh viện phụ sản:
Trong đó, phần lớn các topic được quan tâm, tương tác là chia sẻ kinh nghiệm sinh nở, bao gồm cả sinh thường và sinh mổ (chiếm 73% mối quan tâm của sản phụ). Tiếp theo là các vấn đề tiền sản như chọn nơi khám thai, chọn bác sĩ, lớp thai giáo đóng góp 15% đề tài thảo luận. Về chăm sóc sức khỏe sau sinh, người dùng mạng thường lựa chọn các dịch vụ tư nhân nên thảo luận về các bệnh viện ít đi đáng kể.
Những kinh nghiệm về chữa hiếm muộn và thụ tinh nhân tạo tuy ít nhưng những topic được rất nhiều lượt chia sẻ và comment của cộng đồng. Chủ yếu các đề tài về chữa hiếm muộn dẫn tới các bệnh viện lâu đời, chuyên môn cao như Từ Dũ, Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung Ương.
“Người giàu cũng khóc” khi nói về bệnh viện phụ sản trên Social Media
Ý thức được việc sinh nở của các sản phụ tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nhìn chung, các sản phụ và gia đình đánh giá cao những nơi có “bác sỹ giỏi, bệnh viện đầu ngành và phải trang bị kiến thức nhiều nhất có thể” như bệnh viện Từ Dũ, Phụ sản Hà Nội. Hơn nữa, các ca sinh khó đều phải di chuyển bệnh nhân tới bệnh viện nhà nước chuyên khoa sản nên một số gia đình “có điều kiện” vẫn ưa thích bệnh viện công.
Bên cạnh đó, với quan niệm “đời người có mấy lần sinh con”, những thai phụ trẻ hiện nay có xu hướng quan tâm hơn tới các trải nghiệm sinh con. Họ thích sinh ở những bệnh viện có điều kiện cơ sở vật chất tốt, các dịch vụ phòng đẻ gia đình, phòng dịch vụ có điều hòa và buồng vệ sinh riêng, các gói sinh trọn gói không đau, thái độ nhân viên và bác sĩ lịch sự hòa nhã. Về điểm này, các bệnh viện tư nhân như Vinmec, Hạnh Phúc, Hoàn Mỹ được đánh giá cao hơn, tất nhiên với mức viện phí chỉ dành cho các gia đình “chịu chi”.
Hiện nay, ranh giới chất lượng của bệnh viện công – tư đã không còn quá rõ ràng. Tại các bệnh viện công lập đã đầu tư xây dựng những khu quốc tế, phòng dịch vụ với trải nghiệm 5 sao, dịch vụ đẻ không đau… để phục vụ cho các gia đình muốn tận hưởng khoảnh khắc chào đón các thiên thần nhỏ. Tại các bệnh viện tư nhân, các ca sinh con cũng mời các bác sĩ đỡ đẻ có tay nghề cao tại bệnh viện công lập để tạo nên sự yên tâm toàn diện về khả năng xử lý y khoa.
Như vậy, điều quan trọng nhất để tăng khả năng cạnh tranh giữa các bệnh viện là trải nghiệm khi sinh con của sản phụ. Nếu như một bệnh viện có khả năng đem lại trải nghiệm tốt trong quá trình sinh nở, các sản phụ không những quay lại trong những lần sinh con kế tiếp mà còn để lại những review tốt trên mạng xã hội. Điều này có thể ảnh hưởng tới sự lựa chọn của các sản phụ tương lai.
Tuy nhiên trên Social Media tồn tại khá nhiều ý kiến tiêu cực về các bệnh viện phụ sản khiến nhiều người e ngại. Đặc biệt là thái độ lạnh lùng, quát mắng bệnh nhân của các y tá, nhân viên bệnh viện phụ sản công lập khiến cho nhiều người bức xúc. Các vấn đề bệnh viện quá tải, xếp hàng làm thủ tục lâu hay điều kiện vệ sinh tệ hại ở bệnh viện công lập khiến cho nhiều sản phụ không muốn quay lại.
Tại các bệnh viện tư nhân, cho dù trả mức viện phí cao hơn hàng chục lần so với bệnh viện công nhưng người dùng cũng có nhiều trải nghiệm xấu vì bác sĩ tay nghề kém, chẩn đoán sai hoặc bệnh viện không đủ chuyên môn, thiết bị để xử lý tình huống. Một số bệnh nhân phản hồi về tình trạng phân biệt đối xử, “trông mặt bắt hình dong”của bảo vệ, nhân viên tại các bệnh viện tư nhân, quốc tế.
Nhiều bệnh viện có nguy cơ gặp phải khủng hoảng danh tiếng bởi các sai sót y khoa hay đối xử thiếu sót với sản phụ. Như việc bác sĩ tắc trách bỏ rơi sản phụ đang chuyển dạ khiến bé sơ sinh có nguy cơ bị ngạt tại một bệnh viện đa khoa quốc tế, hay bác sĩ bỏ sót băng gạc trong bụng sản phụ tại bệnh viện công lập đầu ngành khiến nhiều người choáng váng sợ hãi.
Quan niệm mới của những “bà bầu hiện đại” trên Social Media
Với điều kiện sống và thu nhập tăng cao, cộng thêm với việc số lần sinh nở ít đi, các sản phụ thời nay có sự chuyển dịch về nhận thức khi thảo luận về đề tài sinh con. Họ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn về tiền bạc, công sức để có được trải nghiệm sinh con tốt đẹp và an toàn, cũng như nhạy bén hơn với kiến thức sinh sản của quốc tế có lợi cho mẹ và bé.
Sinh con là phải như đi nghỉ dưỡng (2,716 thảo luận): Nhiều cặp vợ chồng trẻ chia sẻ trước kia họ quan niệm rằng sinh ở bệnh viện nào cũng giống nhau nên lựa chọn bệnh viện công lập với nhu cầu tối giản để tiết kiệm chi phí. Nhưng hiện nay sự xuất hiện của bệnh viện tư nhân đã đem lại những cảm nhận mới khi nhiều hot mom và người nổi tiếng check-in tại các phòng sinh hiện đại, mát mẻ, thức ăn ngon và quà tặng cho bé sơ sinh. Điều đó khiến cho nhu cầu sinh con “hưởng thụ” của các sản phụ thời nay tăng cao.
Có chồng bên cạnh trong quá trình chuyển dạ (2,015 thảo luận): Vài năm trước có nhiều thông tin trên báo chí, diễn đàn về việc người chồng bị “ám ảnh” khi thấy vợ sinh con khiến nhiều sản phụ không muốn cho bạn đời xuất hiện trong phòng sinh. Ngày nay, các mô hình “phòng sinh gia đình” lại được ưu tiên do người vợ muốn chồng chứng kiến quá trình chuyển dạ, để chia sẻ bớt nỗi đau đớn và lo lắng khi sinh con, cũng như khiến cho các “anh xã” ý thức được sự hy sinh của vợ mình.
Trào lưu đẻ không đau, da tiếp da, lưu tế bào gốc cuống rốn (1,119 thảo luận): Những phương pháp mới mẻ giúp ích cho sản phụ và trẻ sơ sinh được các mẹ bầu cập nhật liên tục. Hiện nay tiêu chuẩn của một ca sinh nở trọn vẹn đối với nhiều sản phụ hiện đại là sinh con nhẹ nhàng không đau đớn bằng các biện pháp gây tê màng cứng, gây tê tủy sống, được ôm con “da tiếp da” ngay sau khi sinh và cho bé tráng miệng bằng nguồn sữa non đầu đời quý giá.
Lựa chọn bác sĩ khám thai và đỡ đẻ từ sớm (374 thảo luận): Thay vì bị động chờ bác sĩ ngẫu nhiên tại bệnh viện giúp đỡ trong quá trình mang thai và sinh con, nhiều mẹ bầu tham khảo các bác sĩ được nhận xét tích cực trên mạng xã hội để đăng ký khám thai và sinh con. Việc lựa chọn bác sĩ là rất quan trọng song song với lựa chọn bệnh viện phụ sản.
Kết luận
Số lượng các thảo luận về bệnh viện công lập trên Social Media vẫn áp đảo so với bệnh viện tư nhân do sự an toàn và chi phí thấp. Tuy nhiên, với mức sống được nâng cao, các gia đình khá giả đã bắt đầu tìm tới các bệnh viện tư nhân hoặc dịch vụ sinh con quốc tế để có được những trải nghiệm tốt nhất cho sản phụ và bé sơ sinh.
Social Media là kênh thảo luận và nguồn tham khảo quan trọng của các mẹ bầu trước và sau sinh. Các trang Facebook cá nhân và forum là nơi diễn ra nhiều thảo luận giá trị về kinh nghiệm sinh con và chăm sóc trẻ sơ sinh, đánh giá bệnh viện phụ sản và tư vấn sức khỏe cho thai phụ. Các bài viết chia sẻ kinh nghiệm đi sinh của các hot mom trên Facebook có tầm ảnh hưởng lớn tới đối với các mẹ bầu tương lai như quyết định sinh con ở bệnh viện nào, chọn bác sĩ nào khi đỡ đẻ.
Vào nửa đầu năm 2017, số lượng bệnh viện gặp sự cố sản khoa ít nhưng các thông tin tiêu cực về thái độ của nhân viên, trình độ của y bác sĩ và các trải nghiệm xấu khi sinh con của sản phụ rất nhiều và rải rác. Các bệnh viện cần tích cực lắng nghe và phản hồi người dùng trên mạng xã hội để tránh gây hoang mang cho dư luận hay nảy sinh những khủng hoảng không đáng có.
Những thông tin trên mạng xã hội dần tạo nên những nhận thức mới về việc sinh con của phụ nữ Việt như sinh con là phải “sướng như tiên”, phải “có chồng bên cạnh”, phải được “da tiếp da”… Việc nắm bắt nhạy bén các xu hướng của mẹ bầu hiện đại trên Social Media sẽ giúp ích rất lớn cho việc marketing của các thương hiệu bệnh viện phụ sản cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho bệnh viện.
Bài viết được phân tích bởi đội ngũ chuyên gia phân tích của YouNet Media và sử dụng số liệu từ SocialHeat – Hệ thống Social Listening & Market Intelligence duy nhất tại Việt Nam có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực, một cách tự động và có phạm vi thu thập bao phủ hơn 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội.