1.570 lượt xem
Chỉ trong 10 ngày sau khi Quốc hội công bố Nghị quyết sáp nhập tỉnh thành, mạng xã hội Việt Nam ghi nhận hơn 1,38 triệu lượt thảo luận về chủ đề, biến tin tức vươn lên TOP 3 chủ đề hot nhất tuần trên nền tảng SocialTrend. Không chỉ là một sự kiện chính trị – hành chính trọng đại, câu chuyện tên gọi quê hương, bản sắc địa phương và phản ứng cộng đồng đã tạo nên làn sóng cảm xúc mạnh mẽ. Đặc biệt, đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2025 bất ngờ trở thành “liều thuốc tinh thần” giữa thời điểm nhạy cảm, góp phần chuyển hóa cảm xúc của người dân theo hướng tích cực.
1. Sáp nhập tỉnh thành trở thành chủ đề nóng với hơn 1,38M thảo luận
Chỉ trong 10 ngày từ Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố vào 30/06, chủ đề “Sáp nhập tỉnh thành” đã nhanh chóng “càn quét” mạng xã hội với hơn 1,38M thảo luận và 6,72M tương tác.
Đây là sự kiện chính trị trọng đại mang tính lịch sử của đất nước, khi bản đồ đất nước được sắp xếp lại không chỉ để tinh gọn hơn mà còn để phát triển mạnh mẽ hơn. Sau sáp nhập, Việt Nam chính thức có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố, giảm gần một nửa so với trước đây. Đề án sáp nhập do tổng bí thư Tô Lâm chủ trương và Quốc Hội biểu quyết thông qua ngày 12/06 và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 01/07/2025.
Nhiều thương hiệu đã nhanh chóng bắt nhịp và có những hoạt động hưởng ứng. Dữ liệu từ nền tảng SocialTrend cho thấy, các thương hiệu đã góp phần lan tỏa thông tin về sự kiện sáp nhập tỉnh thành bằng nhiều hình thức khác nhau. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như VinWonders, Vietravel, FPTShop, Co.opMart, Trung Nguyên… Đa phần các thương hiệu đều triển khai hoạt động như bài đăng bản đồ mới sau khi sáp nhập, hướng dẫn đóng điện nước và tra cứu quê quán trên ứng dụng VNeID, hoặc ưu đãi đặc biệt nhân dịp sự kiện lịch sử của đất nước.
Có thể thấy, tin tức Sáp nhập tỉnh thành không chỉ là một sự kiện mang tính lịch sử của đất nước mà còn là một chủ đề nóng đang rất được quan tâm trên MXH.
2. TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng: Là những tỉnh thành được nhắc tên nhiều nhất
Đào sâu vào thảo luận về tin tức sáp nhập tỉnh thành, dễ dàng thấy tên gọi mới của các khu vực sau khi được sáp nhập là chủ đề được cộng đồng mạng quan tâm nhất. Hàng loạt người dùng đã thể hiện sự trân trọng và tiếc nuối với những cái tên gắn liền với ký ức, bản sắc và niềm tự hào địa phương. Bên cạnh việc theo dõi thông tin hành chính, cộng đồng mạng cũng đồng loạt nhắc lại những cái tên cũ đầy thân thương, như một cách khẳng định bản sắc vùng miền không dễ phai mờ.
Dữ liệu từ nền tảng SocialHeat cho thấy 63 tỉnh thành đều xuất hiện trong các cuộc thảo luận, tuy nhiên mức độ quan tâm không đồng đều. Trong đó, Top 20 tỉnh thành được nhắc đến nhiều nhất chiếm tới 55,8% tổng lượng thảo luận, với ba cái tên dẫn đầu lần lượt là TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng – những đô thị lớn có vị thế đặc biệt trong hệ thống hành chính và tâm thức người dân.
Ngoài ba thành phố trọng điểm trên, các tỉnh như Cần Thơ, Quảng Trị, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bình Định… cũng lọt vào top nhờ thảo luận, trong đó, ngoài thảo luận trân trọng cái tên cũ, người dùng cũng nêu lên mối lo ngại về bản sắc địa phương sau sáp nhập.
Việc các tỉnh thành lớn nằm trong danh sách thảo luận được nhắc đến nhiều nhất không chỉ phản ánh lan tỏa về mặt thông tin, mà còn cho thấy mức độ gắn bó tình cảm sâu sắc của người dân với tên gọi truyền Việc thay đổi tên tỉnh sau sáp nhập không chỉ là câu chuyện hành chính mà còn chạm vào cảm xúc sâu sắc của người dân, dấy lên nỗi lo mất đi một phần bản sắc, ký ức và niềm tự hào địa phương. Chính điều đó đã tạo nên làn sóng thảo luận đậm tính cảm xúc trên mạng xã hội, lan tỏa vượt khỏi khuôn khổ thông tin chính sách. Cũng trong dòng cảm xúc ấy, đề thi Ngữ văn THPT 2025 với trích dẫn “Vùng trời quê hương nào cũng là một phần bầu trời Tổ quốc” xuất hiện đúng lúc, trở thành điểm chạm đầy đồng cảm với tâm trạng của cộng đồng mạng.
3. “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời tổ quốc”: Đề thi văn chạm đúng mạch cảm xúc cộng đồng
Trái ngược với các suy đoán về đề văn THPT Quốc gia 2025, đề thi môn Ngữ Văn năm nay “gây sốt” với tính thực tiễn của tình hình xã hội hiện tại, khi mà các kênh truyền thông chính thống đã “úp mở” về thông tin Sáp nhập tỉnh thành.
Đề văn yêu cầu thí sinh đọc hiểu văn bản trích trong “Những vùng trời khác nhau”, Tuyển tập truyện ngắn hay nhất của nhà văn Nguyễn Minh Châu, NXB Văn học, 2022, tr 33-35. Từ kết quả đọc hiểu văn bản và những hiểu biết về bối cảnh đất nước đang có nhiều thay đổi lớn lao, viết bài văn nghị luận (Khoảng 600 chữ) với chủ đề vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc.
Cụm “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời tổ quốc” đã gây ấn tượng mạnh và khơi gợi niềm tự hào cũng như là tình yêu đất nước từ cộng đồng mạng Việt Nam. Theo nền tảng SocialHeat của YouNet Media, câu nói ghi nhận hơn 65K thảo luận với chỉ số cảm xúc tích cực, cho thấy sự hưởng ứng của người dùng trên MXH đối với chủ đề.
Nhờ thông điệp đầy cảm xúc, đề văn năm nay không chỉ khơi gợi suy ngẫm của thí sinh trong phòng thi mà còn trở thành “liều thuốc xoa dịu tinh thần” với hàng nghìn người dùng mạng xã hội giữa làn sóng tranh luận về sáp nhập tỉnh thành. Theo dữ liệu từ nền tảng SocialHeat, nhiều bài đăng cập nhật thông tin sáp nhập tỉnh thành mang sắc thái tích cực, góp phần khuyến khích cộng đồng mạng đón nhận thay đổi một cách bình tĩnh, cởi mở, không phải để quên đi cái cũ, mà để tiếp nối giá trị quen thuộc trong một hình hài mới.
Có thể nói, đề văn là một nước đi khéo léo khi lựa chọn chủ đề vừa mang tính cấp thiết vừa giúp “thăm dò” phản ứng của cộng đồng về thông tin sáp nhập trước Lễ công bố Nghị quyết sáp nhập tỉnh, thành phố chính thức. Thông điệp “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” vì vậy không chỉ mang tính văn học, mà còn trở thành điểm tựa tinh thần, giúp cộng đồng nhìn nhận sự thay đổi hành chính trong tâm thế tích cực, rộng mở và bao dung hơn.
4. Kết luận
Trong bối cảnh những thay đổi hành chính lớn như sáp nhập tỉnh thành có thể tạo ra làn sóng dư luận đa chiều, công cụ theo dõi xu hướng như SocialTrend trở thành nguồn dữ liệu thiết yếu để nắm bắt mức độ quan tâm, chủ đề trọng tâm, cũng như chỉ số cảm xúc của cộng đồng. Không chỉ giúp phát hiện sớm những luồng cảm xúc tích cực hay lo ngại tiềm ẩn, nền tảng còn hỗ trợ các cơ quan chức năng, thương hiệu và tổ chức xã hội điều chỉnh thông điệp, truyền thông hiệu quả và kịp thời hơn. Với các sự kiện mang tính bước ngoặt, SocialTrend không chỉ là công cụ phân tích, mà còn là “hệ radar” quan trọng giúp nhìn nhận dư luận một cách toàn diện và có chiều sâu.
Hãy cùng YouNet Media cập nhật diễn biến các chủ đề hot trending được quan tâm trong nhiều lĩnh vực mỗi ngày tại đây.