11.465 lượt xem
Bài viết tổng hợp và phân tích Top 5 những gameshow đang “chễm chệ” trên hàng top những cuộc thảo luận trên mạng xã hội trong 5 tháng đầu năm cùng những gương mặt nổi tiếng đang được yêu thích nhất qua từng gameshow. Hãy cùng YouNet Media tìm hiểu!
*Bảng xếp hạng này tập hợp top gameshow truyền hình thực tế có khách mời là người nổi tiếng. Dữ liệu được cập nhật trong 5 tháng đầu năm 2019 bởi công cụ Social Listening – SocialHeat.
Bảng xếp hạng top 5 gameshow truyền hình thực tế được quan tâm nhiều nhất năm 2019 bao gồm tổng lượt mentions của từng gameshow và lượt views trung bình trên tổng số tập đã phát sóng của từng gameshow được cập nhật từ các kênh Youtube chính thức của các chương trình trong 5 tháng đầu năm. Giọng ải giọng ai đang trong thời gian casting nên hiện chưa có số liệu tham khảo.
5. Quý ông đại chiến: 48,042 mentions
Gameshow khá thành công này đã quay trở lại với mùa 2, bắt đầu được phát sóng vào cuối tháng 3 trên VTV3. Quý ông đại chiến là gameshow tụ hội những chàng trai tài năng đến thể hiện sở trường của mình. Chương trình có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ nổi tiếng như Hương Giang, Lâm Vỹ Dạ, Ninh Dương Lan Ngọc, Võ Hoàng Yến, Hoàng Oanh, Mâu Thủy, Minh Tú… với MC chính của chương trình MC Thành Trung.
Quý ông đại chiến thu hút đa số nữ giới, tuy nhiên tỷ lệ nam giới quan tâm đến chương trình cũng không quá cách biệt. Sự cân bằng về sức hút của dàn thí sinh nam cùng các khách mời nữ xinh đẹp phần nào nói lên tỷ lệ cân bằng của khán giả. Độ tuổi trưởng thành từ 25-34 chiếm đa số trong tỷ lệ khán giả, đứng thứ nhì là độ tuổi trẻ từ 18-24. Có thể thấy, những thể loại gameshow liên quan đến “tiêu chuẩn chọn người yêu” như Người ấy là ai hay Quý ông đại chiến hiện đang rất “được lòng” nhóm tuổi trưởng thành.
Gameshow Quý ông đại chiến thu hút lượng khán giả dàn trải khắp Bắc, Trung, Nam. Tỷ lệ khu vực quan tâm đứng đầu là Hồ Chí Minh, đứng thứ nhì là Hà Nội. Các tỉnh thành còn lại có tỷ lệ chênh lệch không quá nhiều. Bên cạnh sự cân bằng về “nhan sắc” giữa dàn khách mời nữ và dàn thí sinh nam, cân bằng về vùng miền của khách mời và các thí sinh trong chương trình cũng là yếu tố giúp Quý ông đại chiến thu hút khán giả khắp các vùng miền trong cả nước.
Lượng mentions cao nhất Quý ông đại chiến đạt được tính đến thời điểm hiện tại là 28,378 mentions trong tháng 5. Đây là thời điểm có sự xuất hiện của khách mời đang vướng phải scandal, dẫn đến rất nhiều những cuộc thảo luận đa chiều. Mặc dù chương trình đã cắt bỏ những đoạn có hình ảnh của khách mời nhưng cư dân mạng vẫn không ngừng bàn tán thảo luận về vấn đề này.
Các cuộc thảo luận diễn ra đa số trên các hội nhóm facebook hoặc fanpages, profiles, với 47.4K lượng mentions. Đứng thứ nhì là tại các trang báo với 573K lượng mentions và diễn đàn với 49 lượng mentions.
Quý ông đại chiến có lượng thảo luận tiêu cực về khách mời khá cao, với lý do là không thích hoặc là anti-fan của một vài khách mời. Trong khi đó, xét về chủ nhà, thảo luận tích cực, xuất phát từ nguyên nhân người xem là fan của đội chủ nhà, chương trình nào có đội chủ nhà cũng xem hoặc do yêu thích lối trò chuyện hài hước, duyên dáng của đội chủ nhà. Về MC, thảo luận tích cực chiếm đa số với những lời nhận xét như MC dẫn lôi cuốn, đẹp trai. Về kịch bản hoặc tổng thể chương trình, đa số khán giả xem và yêu thích vì sự hài hước và tính giải trí của chương trình.
4. Giọng hát Việt – The Voice 2019: 84,439 mentions
The Voice – Giọng hát Việt là gameshow truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc mua bản quyền từ chương trình truyền hình thực tế của Hà Lan – The Voice of Holland và phát triển dựa theo bản The Voice của Mỹ. Chương trình này thu hút đông đảo khán giả mỗi năm dõi theo hành trình thi đấu tranh tài của các thí sinh từ mọi miền đất nước, cùng với sự huấn luyện chuyên nghiệp của các huấn luyện viên tùy theo từng mùa giải. Giọng hát Việt 2019 có sự góp mặt các huấn luyện viên “gạo cội” như Hồ Hoài Anh, Thanh Hà, Tuấn Ngọc, Tuấn Hưng…
Giọng hát Việt thu hút khán giả tầm độ tuổi trưởng thành từ 25-34 chiếm đa số, đứng thứ nhì là độ tuổi trẻ từ 18-24. Thể loại chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng như Giọng hát Việt thu hút tỷ lệ khán giả nữ và khán giả nam khá cân bằng.
Tỷ lệ quan tâm ở các khu vực không quá cách biệt, trải dài từ Bắc đến Nam, trong đó chiếm tỷ lệ cao và vượt trội hơn các tỉnh thành khác vẫn là Hồ Chí Minh và Hà Nội. Dàn thí sinh cùng các giám khảo cân bằng về vùng miền là một trong những điểm thu hút không mấy thiêng lệch khu vực quan tâm đến Giọng hát Việt.
Thời điểm Giọng hát Việt 2019 có lượng mention đỉnh điểm là vào tháng 5 với 35,446 mention, đây cũng là thời điểm diễn ra vòng thi bài hát đối đầu khi chỉ có 1 thí sinh được chọn đi tiếp ở mỗi cặp đấu.
Các cuộc thảo luận diễn ra đa số trên các hội nhóm facebook hoặc fanpages, profiles với tổng lượng mentions là 82.4K mentions. Đứng thứ nhì là tại các trang báo với 1.7 lượng mentions và diễn đàn với 246 lượng mentions.
Với chương trình về chuyên môn nghệ thuật cao như Giọng hát Việt, những bàn luận của cư dân mạng khá đa dạng nhưng xét về tổng thể, Giọng hát Việt 2019 vẫn được đánh giá khá cao. Về huấn luyện viên của mùa này, với sự xuất hiện của dàn nghệ sỹ “gạo cội” cực kỳ chất lượng, lượng thảo luận tích cực chiếm đa số là từ fan của các huấn luyện viên cùng một số thảo luận về sự chuyên nghiệp không cần phải bàn cãi của dàn huấn luyện viên “xịn sò”. Bên cạnh đó, dàn cố vấn cũng nhận được những lượt thảo luận tích cực chiếm đa số với những lượt thảo luận thể hiện sự mong chờ, mong đợi đến phần xuất hiện của dàn cố vấn nổi tiếng.
Về chất lượng thí sinh, đa số cư dân mạng cho rằng, dàn thí sinh mùa này chất lượng hơn nhiều so với các mùa trước. MC của Giọng hát Việt 2019 cũng nhận được những lời khen ngợi tích cực từ đa số cộng đồng mạng cho rằng, MC năm nay vừa xinh đẹp vừa dẫn chương trình hết sức duyên dáng. Về tổng thể chương trình, tuy có điểm khác biệt về luật chơi mới gây nên sự hoài nghi và phản đối từ cộng đồng mạng, Giọng hát Việt 2019 vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm tích cực với những lượt thảo luận cho thấy người hâm mộ đánh giá chương trình là hay, cực đáng xem, cũng như trông đợi những bài hát của cố vấn nổi tiếng được trình bày bởi các thí sinh sẽ ra sao.
3. Giọng ải giọng ai: 125,300 mentions
Giọng Ải Giọng Ai là một gameshow âm nhạc với bản gốc là I Can See Your Voice, xuất xứ từ Hàn Quốc, đã “du nhập” qua Thái Lan và hiện tại là Việt Nam. Với thành công từ phiên bản gốc Hàn Quốc cùng tính chất hài hước, Giọng ải giọng ai nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo người xem đài. Giữ vị trí chủ nhà là Trấn Thành, Trường Giang cùng với MC Đại Nghĩa, tùy theo từng tập sẽ có các khách mời tham gia, tỷ suất người xem và mức độ quan tâm cao thấp cũng tùy theo các tập có khách mời nào.
25-34 là độ tuổi chiếm đa số trong tỷ lệ độ tuổi quan tâm, đứng thứ nhì là nhóm tuổi trẻ từ 18-24. Giọng ải giọng ai khá thu hút độ tuổi trưởng thành, tuy nhiên lứa tuổi trẻ hơn cũng chiếm tỷ lệ không quá chênh lệch. Thể loại chương trình giải trí kết hợp thể hiện tài năng ca hát và kịch bản gốc từ Hàn Quốc như Giọng ải giọng ai thường có tỷ lệ nữ giới quan tâm cao hơn hẳn so với nam giới.
Giọng ải giọng ai có tỷ lệ người quan tâm trải đều từ Bắc đến Nam, tập trung chủ yếu ở Hồ Chí Minh, đứng thứ nhì là Hà Nội, các tỉnh thành còn lại chênh lệch không quá cao. Được sản xuất bởi Điền Quân Entertainment và phát sóng trên HTV7, không khó để tỷ lệ quan tâm ở Hồ Chí Minh chiếm đa số. Tuy nhiên, với luật chơi thú vị, hài hước, gameshow nhanh chóng thu hút các tỉnh thành khắp cả nước, không riêng gì Hồ Chí Minh.
Đỉnh điểm mentions của Giọng ải giọng ai là 29,216 mentions trong tháng 3 và duy trì lượng mentions khá đều trong những tháng còn lại. Đây là thời điểm những teaser đầu tiên của mùa 4 được lan truyền cùng với thông báo kêu gọi casting từ chương trình, kéo theo hàng chục ngàn lượt mentions từ cộng đồng mạng.
Các cuộc thảo luận diễn ra đa số trên các hội nhóm facebook hoặc fanpages, profiles với tổng lượng mentions là 124.7K mentions. Đứng thứ nhì là tại các trang báo với 189 lượng mentions và diễn đàn với 10 lượng mentions.
Giọng ải giọng ai là gameshow được cư dân mạng “săn đón” sự trở lại. Hiện đang trong giai đoạn casting, chương trình đã nhận được hàng trăm ngàn lượt thảo luận về vòng casting, tuy nhiên, do khâu tổ chức không như mong đợi, chương trình đã phải hứng chịu khá nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng, chủ yếu xoay quanh vấn đề quy trình casting không rõ ràng, không nhận được thông báo có đậu hay không. Bên cạnh đó, cư dân mạng cũng có những thảo luận tích cực và dự đoán, hy vọng chương trình có thể mời các khách mời yêu thích tham gia. Đội chủ nhà cũng nhận được những thảo luận tích cực về sự hài hước, lối chơi giải trí.
Về phần MC, đa số cư dân mạng hy vọng chương trình có thể mời nghệ sỹ yêu thích làm MC. Các thí sinh tham gia chương trình cũng tạo bất ngờ cho người xem và nhận được những lượt thảo luận tích cực, đa số là những lời khen ngợi về khả năng hát cực hay của một số thí sinh. Xét về tổng thể, Giọng ải giọng ai khá hài hước, kịch tính, đáng hóng xem.
2. Người ấy là ai: 328,785 mentions
Đứng ở vị trí thứ nhì chính là gameshow Người ấy là ai, đã quay trở lại với mùa 2 và càng chứng tỏ được sức hút rõ rệt. Là gameshow với luật chơi mới mẻ, giúp cho các cô gái độc thân xinh đẹp tài giỏi tìm kiếm người yêu, các cặp đôi có dịp bộc lộ tình cảm và giúp những người thuộc cộng động LGBT được là chính mình trên sóng truyền hình, Người ấy là ai nhanh chóng chiếm giữ vị trí đầu top bảng xếp hạng các gameshow truyền hình thực tế được quan tâm nhiều nhất 5 tháng đầu năm 2019.
Thể loại gameshow tìm kiếm người yêu cùng khách mời xinh đẹp và dàn thí sinh nam “cực phẩm” như Người ấy là ai có tỷ lệ nữ giới quan tâm cao hơn hẳn so với nam giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ độ tuổi quan tâm rơi vào lứa tuổi trưởng thành từ 25-34 không quá chênh lệch so với nhóm tuổi trẻ từ 18-24.
Người ấy là ai khá thành công chiếm tình cảm của khán giả khu vực phía Nam, cao hơn hẳn so với khu vực phía Bắc và Trung. Việc được phát sóng trên HTV2 trực thuộc Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nguyên do dẫn đến việc chênh lệch về tỷ lệ khu vực quan tâm.
Người ấy là ai có lượng mention đỉnh điểm vào thời điểm tháng 1 với 120,453 mentions. Đây là thời điểm phát sóng tập đặc biệt – tập cuối cùng của mùa 1 với nội dung tìm chàng trai phù hợp cho chính cố vấn định kỳ của chương trình, kéo theo hàng trăm ngàn lượt mentions.
Các cuộc thảo luận diễn ra đa số trên các hội nhóm facebook hoặc fanpages, profiles với tổng lượng mentions là 324.7K mentions. Đứng thứ nhì là trên các kênh Youtube với 1.8K mentions, đứng thứ ba là trên các trang báo với 2.1K lượng mentions và diễn đàn với 157 lượng mentions.
Với số đặc biệt phát sóng vào đầu năm 2019, Người ấy là ai đã thành công “gặt hái” được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Xét về khách mời, đa số lượt thảo luận tích cực bàn tán về vấn đề khách mời nào sẽ được mời trong những số tiếp theo, liệu có phải là khách mời được cộng đồng yêu thích không. Về cố vấn định kỳ của chương trình, sự hài hước là yếu tố quyết định giúp cố vấn định kỳ của Người ấy là ai chiếm lấy cảm tình của cộng đồng mạng.
Sự đặc biêt của Người ấy là ai còn phải kể đến đó chính là MC. Với những câu nói, những nhận xét sâu sắc được yêu thích và lan truyền trên cộng đồng mạng cùng khả năng dẫn chương trình đầy tài năng, những lượt thảo luận tích cực dành cho MC chiếm đại đa số mặc dù trước đó, MC của Người ấy là ai đã từng nhận không ít những bình luận tiêu cực về vấn đề nhại giọng vùng miền. Xét về tổng thể, Người ấy là ai đa số những lượt thảo luận tích cực của cư dân mạng xoay quanh dàn trai đẹp cực phẩm và yếu tố nhân văn, ý nghĩa mà chương trình mang lại.
1. Running Man – Chạy đi chờ chi: 337,240 mentions
Vị trí đầu bảng trong bảng xếp hạng Top 5 gameshow được quan tâm nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm 2019 chính là gameshow truyền hình đình đám Running Man phiên bản Việt với tựa đề Chạy đi chờ chi. Thành công vang dội của bản gốc Running Man phiên bản Hàn, khán giả Việt vốn đã quá quen thuộc với các thành viên của phiên bản Hàn và trò chơi “đinh” của gameshow như xé bảng tên, không khó tránh khỏi phiên bản Việt sẽ vấp phải khá nhiều tranh cãi và hoài nghi. Chạy đi chờ chi hiện có sự tham gia của đội chủ nhà gồm các thành viên Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc, Trương Thế Vinh, Ngô Kiến Huy, Jun Phạm, BB Trần, Liên Bỉnh Phát cùng một số khách mời tùy theo từng tập.
Tỷ lệ độ tuổi quan tâm Chạy đi chờ chi đa số rơi vào nhóm tuổi 25-34, tuy nhiên nhóm tuổi trẻ từ 18-24 cũng không mấy chênh lệch. Tỷ lệ giới tính quan tâm là nữ giới chiếm đa số và “bỏ xa” nhóm nam giới. Điều này có khả năng là do lượng fan nữ “khổng lồ” từ Running Man bản gốc Hàn Quốc cũng dần quan tâm và ủng hộ Chạy đi chờ chi.
Được phát sóng trên HTV7 cùng với các thành viên chính thức thuộc miền Nam, tỷ lệ khu vực quan tâm đến Chạy đi chờ chi cũng lệch hẳn về phía Nam. Trong top các tỉnh thành quan tâm, Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất, Hà Nội đứng thứ nhì với cách biệt khá xa. Các tỉnh thành còn lại chênh lệch không quá cao.
Tính đến thời điểm hiện tại, Chạy đi chờ chi đã thành công chiếm được sự quan tâm của khán giả với lượng khá cao, đỉnh điểm là trong tháng 5 với 175,280 mentions và chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”.
Các cuộc thảo luận diễn ra đa số trên các hội nhóm facebook hoặc fanpages, profiles với tổng lượng mentions là 292K mentions. Đứng thứ nhì là trên các kênh Youtube với 43.4K mentions, đứng thứ ba là trên các trang báo với 1.5K lượng mentions và diễn đàn với 199 lượng mentions. Hiện Chạy đi chờ chi đang sở hữu lượng mentions trên Youtube cao nhất bảng xếp hạng, chứng tỏ sức hút lan rộng của Running Man phiên bản Việt.
Chạy đi chờ chi là gameshow hiện đang đứng top khá nhiều bảng xếp hạng về trending. Phủ sóng khắp các đề tài thảo luận của cư dân mạng, Chạy đi chờ chi thật sự mang lại bất ngờ sau những hoài nghi về việc thua xa bản gốc Running Man Hàn Quốc. Từ những thảo luận tích cực, dàn khách mời dễ thương, chịu chơi, duyên dáng đã nhận được sự quan tâm không nhỏ từ những fan hâm mộ Chạy đi chờ chi. Về nhóm thành viên chủ chốt của Running Man Việt Nam, sau một thời gian phát sóng, lượng yêu thích và bình luận, tình cảm dành cho nhóm thành viên đã chiếm đến 69.81% lượt thảo luận tích cực mặc dù chỉ mới ở mùa 1, với những bàn luận về sự hài hước, lầy lội, chịu chơi, hết mình của nhóm.
Bên cạnh đó, sự chuyên nghiệp của nhóm ekip đến từ Hàn Quốc và tinh thần làm việc hết mình của nhóm ekip Việt Nam cũng nhận được nhiều lời khen ngợi. Về phần MC, đa số cộng đồng mạng lại có hai luồng đánh giá tiêu cực và tích cực xoay quanh vấn đề tuy MC cũng hết mình, dẫn dắt chương trình hài hước, thông minh nhưng cũng cần hạn chế việc thỉnh thoảng lại chèn vài câu nói tiếng Hàn hoặc bớt diễn, bớt lố.
Nhìn chung về tổng thể, Chạy đi chờ chi có lượt thảo luận tích cực chiếm đa số, khen ngợi sự hấp dẫn, dễ thương, hài hước, và ủng hộ bản Việt.
Có thể thấy, 5 tháng đầu năm 2019 là giai đoạn phát triển cực nhanh của các gameshow, truyền hình thực tế với nội dung đặc sắc, ý nghĩa, giải trí cao và nhận được khá nhiều sự đón nhận tích cực từ cộng đồng mạng. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng những thay đổi trên chắc chắn sẽ còn mở ra nhiều “tia sáng” mới cho ngành công nghiệp giải trí và hướng đi mới về mặt truyền thông cho các nhãn hàng.
*Bài viết được phân tích bởi đội ngũ chuyên gia phân tích của YouNet Media và sử dụng số liệu từ SocialHeat – Hệ thống Social Listening & Market Intelligence duy nhất tại Việt Nam có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực, một cách tự động và có phạm vi thu thập bao phủ hơn 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội.